Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ rời quỹ đạo Trái Đất

Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ rời quỹ đạo Trái Đất
Tên lửa đẩy "GSLV-Mk-III" mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 được phóng từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, Ấn Độ ngày 22/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Tên lửa đẩy "GSLV-Mk-III" mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 được phóng từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, Ấn Độ ngày 22/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) có trụ sở ở thành phố Bengaluru (Ben-ga-lu-ru), tàu Chandrayaan-2 đã rời quỹ đạo Trái Đất rạng sáng 14/8. Dự kiến tàu sẽ đi vào quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 20/8 và đáp xuống bề mặt Mặt Trăng ngày 7/9 tới.

ISRO cũng cho biết trong các ngày từ 23/7 đến 6/8, tàu Chandrayaan -2 đã 5 lần nâng quỹ đạo và cho đến nay tất cả hệ thống của tàu vẫn hoạt động bình thường. Theo kế hoạch, 13 ngày sau khi đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, ngày 7/9, tàu đổ bộ Vikram mang theo thiết bị Pragyan sẽ tách khỏi Chandrayaan-2 để hạ cánh xuống khu vực cách cực Nam Mặt Trăng khoảng 100 km. Theo ISRO, đây là điểm xa nhất của Mặt Trăng chưa có tàu nào tiếp cận được.

Tên lửa đẩy "GSLV-Mk-III" mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 rời bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, Ấn Độ ngày 22/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Tên lửa đẩy "GSLV-Mk-III" mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 rời bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Satish Dhawan tại Sriharikota, Ấn Độ ngày 22/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 sau Nga, Mỹ và Trung Quốc thực hiện thành công việc hạ cánh xuống Mặt Trăng. Ấn Độ đặt mục tiêu lập bản đồ bề mặt và nghiên cứu bầu khí quyển Mặt Trăng cũng như các nghiên cứu khác về bề mặt và dưới mặt đất của Mặt Trăng trong lần phóng lần này. ISRO cho biết thông qua việc phóng tàu Chandrayaan-2, Ấn Độ muốn phát triển và trình diễn công nghệ một cách toàn diện từ đầu đến cuối trong nhiệm vụ Mặt Trăng, bao gồm cả việc hạ cánh mềm và di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng.
 
  Minh Luyến

Có thể bạn quan tâm