Tác động tiêu cực từ hoạt động khử mặn nước biển

Tác động tiêu cực từ hoạt động khử mặn nước biển
Theo một nghiên cứu năm 2019 đăng trên tạp chí Khoa học, cứ mỗi lít nước sạch chiết xuất từ nước biển hoặc nước lợ, có 1,5 lít bùn mặn thải ra biển hoặc trên mặt đất. Tất cả lượng muối thừa này làm tăng nhiệt độ của các vùng biển ven bờ và giảm lượng ôxy, từ đó có thể tạo ra những "vùng sinh thái chết".

Chất muối siêu mặn này càng độc hại hơn do các hóa chất được sử dụng trong quá trình khử mặn. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Nước, Môi trường và Y tế của Liên hợp quốc (LHQ), hơn một nửa lượng nước mặn này trên thế giới được thải ra từ 4 quốc gia - gồm Saudi Arabia (22%), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE - 20%) và một tỷ lệ ít hơn của các nước Kuwait và Qatar. Viện trên kêu gọi cần những chiến lược mới nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường, nhấn mạnh điều này sẽ giúp "đảm bảo nguồn cung nước sạch cho các thế hệ hiện tại và mai sau".

Các biện pháp được kể đến gồm khuyến khích tiết kiệm nước và tái chế hiệu quả nước đã qua sử dụng. Giám đốc điều hành công ty Veolia, ông Antoine Frerot cho biết nước tái sử dụng rẻ hơn gần 1/3 so với nước chiết xuất từ quá trình khử mặn.

Trên thực tế, ở khắp vùng Vịnh, một lượng lớn nước được sử dụng không chỉ trong các hộ gia đình, các khu vườn hoặc sân golf, mà còn được dùng trong lĩnh vực khai thác năng lượng - nguồn lực chính tạo nên sự thịnh vượng ngoạn mục của khu vực này. Riêng khu mỏ khí đốt Khazzan của công ty BP và Công ty dầu lửa quốc gia Oman sử dụng 6.000 m3 nước mỗi ngày. Chuyên gia Charles Iceland, thuộc Viện nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) cho biết khu vực này càng khai thác nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên thì càng sử dụng nhiều nước. Trong khi đó, Trung Đông được dự báo cần ngày càng nhiều năng lượng, đồng nghĩa tình hình sẽ ngày càng tệ. Theo chuyên gia Iceland, một trong các giải pháp cho việc này là tạo ra điện năng bằng các công nghệ khai thác năng lượng Mặt Trời.

Bích Liên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm