Phát minh bộ quần áo lặn có khả năng chống cá mập

Phát minh bộ quần áo lặn có khả năng chống cá mập
Các nhà khoa học đã tiến hành đo lực cắn của cá mập vào vật liệu thử bằng cách quấn chúng xung quanh các tấm thép có chứa cảm biến. Ảnh: dailymail.co.uk
Các nhà khoa học đã tiến hành đo lực cắn của cá mập vào vật liệu thử bằng cách quấn chúng xung quanh các tấm thép có chứa cảm biến. Ảnh: dailymail.co.uk

Loại quần áo mới được chế tạo dựa vào việc kết hợp 2 chất liệu là các sợi nhựa UHMWPE (Ultra-high molecular weight polyethylene) và cao su tổng hợp. Các nhà khoa học đã thử nghiệm 2 bộ quần áo lặn được làm bằng những chất liệu này và so sánh khả năng chống cá mập cắn của chúng với các bộ quần áo lặn đạt chuẩn thông thường được làm từ cao su tổng hợp. Kết quả cho thấy bộ quần áo mới nói trên có khả năng hạn chế được các vết cắn của cá mập cao hơn so với quần áo lặn thông thường.

Theo ông Charlie Huveneers (Cha-li Hu-ve-ni-ơ), một thành viên của nhóm nghiên cứu trên, bộ quần áo lặn mới có khả năng chống lại các kiểu tấn công của cá mập trắng như đâm thủng, xé rách và cắn người tốt hơn so với quần áo lặn được làm bằng cao su tổng hợp. Với bộ quần áo này, cá mập khi muốn đâm thủng sẽ phải dùng lực mạnh hơn và những vết thương do nó gây ra đối với con người sẽ nhỏ hơn và nông hơn so với quần áo lặn thông thường. Tuy nhiên, để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường, cần phải thực hiện thêm nhiều cuộc thử nghiệm đối với loại quần áo lặn nói trên, đặc biệt là để kiểm tra khả năng hạn chế mức độ thương tích do cá mập gây ra.

Mỗi năm có hàng chục triệu khách du lịch tới các bãi biển của Australia và các vụ cá mập tấn công người rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Vườn bách thú Taronga ở thành phố Sydney (Xít-ni), chỉ tính riêng trong năm ngoái tại nước này đã xảy ra 27 vụ cá mập tấn công người, trong đó có một vụ tấn công làm chết người ở quần đảo Whitsunday (Uýt-xăn-đây), gần rạn san hô Great Barrier.
Văn Khoa

Có thể bạn quan tâm