Phát hiện hóa thạch rùa khổng lồ thời tiền sử tại Nam Mỹ

Phát hiện hóa thạch rùa khổng lồ thời tiền sử tại Nam Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hóa thạch rùa với tên khoa học Stupendemys Geographicus được tìm thấy trên sa mạc Tatacoa (Ta-ta-cô-a) của Colombia và vùng Urumaco (U-ru-ma-cô), Venezuela. Loài bò sát khổng lồ này có chiều dài tới 4m, nặng 1,25 tấn và to tương đương một chiếc ô tô. Các con đực Stupendemys Geographicus không giống con cái, có sừng phía trước hai bên mai và gần cổ. Trên mẫu hóa thạch có nhiều vết sẹo sâu cho thấy những con đực loài này thường sử dụng sừng để chiến đấu với con đực khác để tranh giành con cái hoặc lãnh thổ.

Theo chuyên gia cổ sinh vật học thuộc Đại học Rosario ở thủ đô Bogota Edwin Cadena (Ết-uyn Ca-đê-na), một số loài rùa sống hiện nay cũng chiến đấu, đặc biệt là các con đực. Mẫu vật trên có lớp mai dài 2,86m, sỡ hữu bộ phận hàm dưới cho phép chúng ăn động vật khác gồm cá, cá sấu, rắn, nhuyễn thể, hạt và trái cây.

Stupendemys là loài rùa lớn thứ hai được phát hiện cho đến nay, sau loài Archelon có chiều dài 4,6m sống cách đây 70 triệu năm. Trước đó, những hóa thạch đầu tiên của Stupendemys cũng đã được phát hiện vào năm 1970, song các vấn đề liên quan tới loài bò sát này vẫn còn là bí ẩn.

Việc phát hiện hóa thạch Stupendemys Geographicus giúp các nhà khảo cổ hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của nhiều loài rùa ở vùng phía Bắc khu vực Nam Mỹ.
Phương Lan
TTXVN

Có thể bạn quan tâm