Phát hiện hố đen khổng lồ trong Dải ngân hà

Phát hiện hố đen khổng lồ trong Dải ngân hà
Hàng ngàn hố đen được các nhà du hành vũ trụ phát hiện gần trung tâm Dải ngân hà. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàng ngàn hố đen được các nhà du hành vũ trụ phát hiện gần trung tâm Dải ngân hà. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tạp chí Nature, hố đen LB-1 nằm cách Trái Đất 15.000 năm ánh sáng và có khối lượng gấp 70 lần Mặt Trời. Ước tính Dải ngân hà chứa khoảng 100 triệu hố đen khối lượng ngôi sao, song LB-1 lại lớn gấp đôi so với những gì các nhà khoa học có thể tưởng tượng. Theo những mô hình tiến hóa của các vì sao hiện nay, đáng lẽ ra những hố đen có khối lượng lớn như vậy không thể tồn tại.

Hố đen là những dạng vật chất hình thành từ sự sụp đổ của ngôi sao khổng lồ và chúng đặc đến nỗi ánh sáng không thể thoát ra ngoài. Nhìn chung, các nhà khoa học đều tin rằng có hai loại hố đen. Hố đen siêu lớn thì to hơn Mặt Trời ít nhất 1 triệu lần và nguồn gốc của nó hiện vẫn chưa được chắc chắn. Trong khi đó, loại phổ biến hơn có khối lượng gấp 20 lần Mặt Trời và được hình thành khi một ngôi sao bị sụp đổ. Cho đến nay, các nhà khoa học ước tính khối lượng của một hố đen khối lượng ngôi sao trong Dải ngân hà không thể vượt qua con số này.

Các hố đen khối lượng ngôi sao thường được hình thành sau vụ nổ sao băng, một hiện tượng thường xảy ra khi các ngôi sao cực lớn bị cạn nhiên liệu ở cuối chu kỳ tồn tại. Khối lượng khổng lồ của LB-1 lại không phải do sao băng tạo ra. Điều này đồng nghĩa với việc, đây là một hố đen kiểu mới và được hình thành bởi cơ chế vật lý khác. Do đó với phát hiện này, các nhà khoa học phải tìm ra cách thức giải thích mới cho sự hình thành của hố đen LB-1.

Hố đen LB-1 do một nhóm các nhà khoa học quốc tế sử dụng kính viễn vọng LAMOST của Trung Quốc tìm ra. Các hình ảnh của hai kính viễn vọng lớn nhất thế giới hiện nay là Gran Telescopio Canarias của Tây Ban Nha và Keck I telescope tại Mỹ đều xác nhận về kích cỡ của LB-1.

Đặng Ánh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm