Củi sưởi đang làm "ngạt thở" các thành phố Chile

Củi sưởi đang làm "ngạt thở" các thành phố Chile
Đốt lò sưởi bằng củi để sưởi tại một hộ gia đình ở Temuco, Chile ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Đốt lò sưởi bằng củi để sưởi tại một hộ gia đình ở Temuco, Chile ngày 22/6.
Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, tại nhiều khu đô thị phía Nam của "đất nước hình quả ớt", người dân đang phải hít thở không khí có hàm lượng bụi mịn (MP 2,5) cao gấp 3 hay thậm chí cao hơn so với chỉ số tối đa mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: 10mg/1m3 không khí.

Một báo cáo do tổ chức Hòa bình xanh và Airvisual cùng tiến hành xếp thị trấn Padre de las Casas (Pa-đrê đê lát Ca-xát), nằm cách thủ đô Santiago 680 km về phía Nam và có 76.000 dân, là đô thị ô nhiễm nhất Mỹ Latinh với hàm lượng MP 2,5 ở mức 43,3mg/1m3 không khí.

Kế tiếp là các thành phố Osorno (Ô-xốc-nô) với 38,2mg/1m3, Coyhaique (Cô-gia-i-kê) – 34,2, Valdivia (Van-đi-vi-a) – 33,3, Temuco (Tê-mu-cô) – 30,4 và thủ đô Santiago, nơi có 6,5 triệu dân Chile sinh sống, với 29,6mg/1m3 không khí.
 
Khói bốc lên do đốt lá khô bên ngoài một ngôi nhà ở Temuco, Chile ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Khói bốc lên do đốt lá khô bên ngoài một ngôi nhà ở Temuco, Chile ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ riêng tại Santiago đã 7 lần rơi vào trạng thái chuẩn bị báo động môi trường trong vài tuần qua, khiến các trường học phải hủy các tiết học thể dục ngoài trời, trong khi thị trấn Coyahique – với 50.000 dân – đã rơi vào tình trạng báo động ngày 26/6 khiến nhà chức trách phải ra lệnh cấm sử dụng lò sưởi trong vài giờ.

Theo thống kê chính thức, từ 3.800 tới 4.000 người Chile chết mỗi năm do ô nhiễm không khí, trong khi ít nhất 8 triệu người bị phơi nhiễm trong không khí có độ bụi mịn cao hơn mức khuyến cáo.

Với giá cả rẻ hơn các loại nhiên liệu khác và do thói quen lâu năm, có tới 90% dân số tại miền Nam Chile sử dụng củi để sưởi chống lại cái rét thường xuyên ở dưới mức 0 độ C mà không có bất cứ hệ thống chống ô nhiễm nào.

 Chính phủ Chile từng triển khai các kế hoạch nhằm giảm bớt ô nhiễm từ tác nhân này như việc cấm sử dụng củi tươi – thường gây ô nhiễm hơn 25% so với củi khô – hay hạn chế sử dụng lò sưởi tại nơi công cộng hay đốt gỗ ngoài trời.  Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng các biện pháp này vẫn chưa đủ và nước chủ nhà của Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu sắp tới (COP 25) cần thay đổi thói quen dùng củi của người dân và đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa trong cấu trúc năng lượng của mình, khi hiện tại có tới 41% nguồn điện năng của quốc gia Nam Mỹ được sản xuất từ các nguôn tài nguyên có carbon.
Lê Hà
TTXVN

Có thể bạn quan tâm