Cá cổ đại đã đi bộ trên mặt đất như thế nào?

Cá cổ đại đã đi bộ trên mặt đất như thế nào?
Nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (Proceedings of the National Academy of Sciences) ngày 30/12, theo đó bộ vây của cá cổ đại có hình dáng giống như gan bàn chân có thể đặt xuống đáy sông hay suối. Các nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Chicago đã sử dụng công nghệ quét CT để kiểm tra hình dạng và cấu trúc của các tia vây vẫn được bọc trong hóa thạch. Các nhà khoa học này đã lần đầu tiên xây dựng các mô hình 3D kỹ thuật số về bộ vây của loài cá cổ đại Tiktaalik roseae và họ hàng của loài này dựa trên các dữ liệu hóa thạch. Tiktaalik roseae được cho là loài trung gian tiến hóa giữa động vật dưới nước và động vật trên cạn. Tia vây và ngạnh của loài cá này đã trải qua những thay đổi tiến hóa để trở thành xương và sụn tương ứng với phần chi trên. Tuy nhiên các phần vây và ngạnh này thường không quan sát được vì chúng có thể vỡ vụn khi hóa thạch.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm hình ảnh để tái tạo các mô hình 3D để chúng có thể di chuyển, xoay tròn và tạo hình bộ xương của cá Tiktaalik roseae. Kết quả cho thấy các tia vây của loài này được đơn giản hóa và kích thước tổng thể của toàn bộ hệ thống vây nhỏ hơn so với thế hệ trước của chúng. Phần đỉnh và đáy của vây cũng đã trở nên bất đối xứng và các tia vây do các cặp xương hình thành. Các tia vây lưng của cá Tiktaalik roseae lớn hơn nhiều lần so với tia vây ở bụng của nó, đồng thời cho thấy loài này có các cơ kéo dài ở mặt dưới của vây, giống như gốc thịt của lòng bàn tay chúng ta, theo đó có thể hỗ trợ chúng nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Theo các nhà khoa học, Tiktaalik roseae thậm chí đã mạo hiểm bước ra khỏi môi trường nước quen thuộc, để thực hiện những chuyến đi bộ ngắn qua vùng nước nông và bãi bồi.
Thanh Phương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm