Nhiều vườn ươm ở Bắc Kạn hoạt động không hiệu quả

Nhiều vườn ươm ở Bắc Kạn hoạt động không hiệu quả
Trại giống Cao Kỳ tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) bị bỏ không gây lãng phí. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN
Trại giống Cao Kỳ tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới
(Bắc Kạn) bị bỏ không gây lãng phí. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Một trong số những vườn ươm bị bỏ hoang là vườn ươm Bản Chiêng, nằm trên địa bàn xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông. Vườn được đầu tư xây dựng từ năm 2002 bằng nguồn vốn 186 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc giai đoạn 2001- 2005. Chủ đầu tư vườn là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn.

Vườn ươm Bản Chiêng được hoàn thành và giao cho Trung tâm giống cây trồng - vật nuôi Bắc Kạn quản lý sử dụng từ năm 2004. Hiện nay, Trung tâm này đã giải thể và vườn ươm đang được giao cho huyện Bạch Thông quản lý. Vườn có tổng diện tích 1ha, trong đó đất xây dựng hơn 624 mét vuông, đất sản xuất hơn 9.375m, tổng giá trị khi bàn giao gần 800 triệu đồng. Ngay khi nhận quản lý vườn ươm, Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi Bắc Kạn đã tổ chức sản xuất giống cây chè Shan Tuyết nhưng giống chè này không bán được vì người dân quanh khu vực vườn ươm không có nhu cầu trồng chè. Đến năm 2008, Viện Rau quả Trung ương tiến hành phối hợp với Trung tâm trồng 600 cây hồng không hạt đầu dòng tại vườn nhưng cây giống không phát triển. Từ đó tới nay, vườn ươm Bản Chiêng bị bỏ hoang. Chị Triệu Thị Ngân, người dân Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, sống cạnh vườn ươm Bản Chiêng cho biết: Sau khi người làm của vườn ươm bỏ đi hết, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Lâu ngày không có ai tới chăm sóc, quản lý vườn ươm nên vợ chồng chị đã trồng ngô trong đất vườn ươm, từ lúc trồng ngô đến giờ cũng được gần chục năm mà vườn ươm chưa hoạt động trở lại.

Tương tự như vậy là vườn ươm Cao Kỳ nằm tại huyện Chợ Mới. Năm 2011, tỉnh Bắc Kạn đầu tư gần 14 tỷ đồng thực hiện dự án sản xuất giống cây cam, quýt và hồng không hạt; cải tạo 3 vườn ươm trên địa bàn tỉnh, trong đó có vườn ươm Cao Kỳ để phục vụ dự án. Theo dự án, vườn ươm này được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh và xây mới trên diện tích hơn 9.000 m2 với năng lực sản xuất 1,3 triệu cây giống/năm. Tuy nhiên, vườn ươm cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Đến năm 2017, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo giao vườn ươm lại cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Trung tâm cử cán bộ xuống để khôi phục sản xuất nhưng cũng chỉ chăm sóc những cây đầu dòng, sản xuất được hơn 500 nghìn cây giống, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng trong giai đoạn từ năm 2017 đến đầu năm 2019. Hoạt động sản xuất cũng chỉ thực hiện ở các bãi trống trong vườn ươm, còn hệ thống 6 nhà lưới thì bị bỏ mặc phơi sương gió, không có người thường xuyên chăm sóc.

Nhiều nhà lưới của Trại giống Cao Kỳ tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) bị bỏ không gây lãng phí. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN
Nhiều nhà lưới của Trại giống Cao Kỳ tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) bị bỏ không gây lãng phí. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN

Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2012, Bắc Kạn đầu tư 6 vườn ươm quy mô, trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 5 vườn, gồm: Cao Kỳ (huyện Chợ Mới), Đồng Tâm (huyện Na Rì), Nà Phẩn (huyện Pác Nặm), Kéo Nàng (huyện Chợ Đồn) và Đon Nhậu (huyện Chợ Mới), còn vườn ươm Bản Chiêng đã bàn giao lại cho huyện Bạch Thông. Hiện toàn bộ 6 vườn đều hoạt động kém hiệu quả. Nhiều vườn ươm phục vụ giống cây trồng không phù hợp với nhu cầu người dân địa phương như vườn ươm Bản Chiêng cung cấp giống chè Shan Tuyết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mỹ Hải – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nguyên nhân các vườn ươm hoạt động không hiệu quả là do vị trí đặt các vườn ươm này chưa phù hợp. Một số vườn ươm như vườn ươm Bản Chiêng – Bạch Thông, vườn ươm Kéo Nàng – Chợ Đồn mặc dù đặt ở trung tâm các khu vực trồng rừng nhưng vị trí đi lại rất khó khăn, muốn vào vườn ươm phải đi qua sông, qua suối không có cầu kiên cố, dẫn đến việc các đơn vị cá nhân có nhu cầu mua cây giống nhưng lại không vận chuyển được. Một lý do nữa là tới năm 2015, sự thay đổi của cơ chế chính sách khiến nhiều vườn ươm không thể hoạt động đủ công năng. Giai đoạn 2011 – 2015 đối với các Ban quản lý dự án phát triển lâm nghiệp được phép đặt hàng sản xuất cây giống phục vụ dự án. Tuy nhiên theo Luật Đấu thầu, giai đoạn 2015 tới nay, việc đặt hàng này không được thực hiện nữa, tất cả cây giống phục vụ dự án phải được đấu thầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa là đơn vị chủ quản vườn ươm, vừa là đơn vị tổ chức đấu thầu nên không thể tham gia đấu thầu.

Ngày 15/7/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn đề xuất UBND tỉnh thu hồi toàn bộ 5 vườn ươm, bàn giao cho địa phương quản lý. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết: Các huyện đã thành lập các trung tâm dịch vụ nông nghiệp với chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng vật tư, giống cây nông nghiệp. Với chức năng nhiệm vụ như vậy, các trung tâm có thể tiếp nhận tất cả các vườn ươm này để sản xuất giống cho nông dân, là nơi tham quan học tập, thực hành nâng cao tay nghề cho nông dân.

Đối với Bắc Kạn, việc xác định nông lâm nghiệp là hướng đi chính thì chủ trương phát triển các vườn ươm là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, sau khi đầu tư nhiều tỷ đồng vốn nhà nước, hệ thống vườn ươm hoạt động cầm chừng hay bỏ hoang là điều vô cùng lãng phí. Việc này đã tồn tại trong một thời gian rất dài nhưng không được khắc phục, trách nhiệm của ai là điều dư luận rất quan tâm cần được làm sáng tỏ./.

Vũ Hoàng Giang

BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm