Nhiều vấn đề nóng được đề cập trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016

Nhiều vấn đề nóng được đề cập trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016

* Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, giữ vững an toàn, an ninh thông tin 

Trả lời báo chí về vụ hacker tấn công trang web của Vietnam Airlines xảy ra vào lúc 16h ngày 29/7, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết trước thời điểm tấn công khoảng 2 giờ, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi cảnh báo. Khi sự cố xảy ra, VNCERT và Cục an toàn thông tin đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường, tham gia cùng Hãng hàng không quốc gia, Cục an ninh mạng và các tổ chức, doanh nghiệp khác khẩn cấp khắc phục kịp thời sự cố. Đến chiều 1/8, tất cả các máy ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã hoạt động bình thường. Bộ đã ban hành kịp thời các văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty lớn tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát, đảm bảo an toàn thông tin. VNCERT đã ban hành hai văn bản hướng dẫn kỹ thuật. Theo Bộ trưởng, qua sự cố này cho thấy cần phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin. Ngày nay, trong môi trường không gian mạng, không chắc chắn được rằng những cuộc tấn công như vậy còn diễn ra hay không. Không ai có thể ngăn chặn triệt để mọi cuộc tấn công. Trong tương lai, những mối nguy cơ tiềm ẩn như vậy ngày càng cao, liên quan đến nhiều nguyên nhân phức tạp khác. Vì vậy không bao giờ có sự an toàn tuyệt đối nên càng phải nâng cao cảnh giác, càng phải đầu tư cả về con người, kỹ thuật để đảm bảo an toàn thông tin. 


 

Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Về vấn đề thông điệp hacker đưa ra mang màu sắc chính trị, Bộ trưởng cho biết nhóm hacker ban đầu tự xưng là 1937CN chen đến từ Trung Quốc. Về nguyên tắc phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội. Ngay trên diễn đàn của mình, nhóm này lên tiếng bác bỏ vụ tấn công. Để đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc vụ tấn công phải có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân, tìm thủ phạm, Bộ trưởng khuyến nghị các cơ quan báo chí và thông qua đó khuyến nghị với cộng đồng mạng phải tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tránh những hành vi khiêu khích hoặc thách thức không cần thiết đối với các nhóm hacker nước ngoài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Hiện nay, Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn thông tin và cần tăng cường năng lực hơn nữa để đề phòng như cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

* Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và xử lý chất thải của Formosa 

Nói về việc xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ngày 2/8, Bộ đã công bố kết quả phân tích. Thông qua báo chí và qua công tác kiểm tra, đã phát hiện 3 nơi chôn lấp chất thải. Kết quả xét nghiệm mẫu cho thấy có một số mẫu có nồng độ chất xyanua vượt quá ngưỡng quy định, ở mức được coi là chất thải nguy hại. Theo quy định, khi mẫu có chứa chất thải nguy hại thì việc quản lý chất thải đó được coi như chất nguy hại. Vì vậy, trong quá trình lấy mẫu bùn thải, Bộ đã lấy hết các mẫu xung quanh bao gồm cả nước ngầm ở khu vực chôn lấp, mẫu đất... nhằm đánh giá việc chôn lấp ảnh hưởng đến môi trường hay không. Do mới chôn lấp nên tác động của các chất thải này chưa sâu, chưa gây hại đến môi trường. Tuy nhiên, toàn bộ 390kg chất thải đó coi như chất thải nguy hại, buộc Formosa cũng như doanh nghiệp môi trường của Kỳ Anh có trách nhiệm lựa chọn cơ quan xử lý có năng lực, được cấp phép và phải xử lý được chất xyanua. Hiện tỉnh Hà Tĩnh chưa có cơ quan nào xử lý chất thải nguy hại được cấp phép, vì vậy việc lựa chọn doanh nghiệp xử lý chất thải phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, cho phép đi từ tỉnh này qua tỉnh khác. Theo quan điểm của Bộ, cách xử lý là đốt, thiêu hủy để bùn đất đó không còn ảnh hưởng đến môi trường. 

Cảm ơn các cơ quan báo chí trong việc phát hiện những sai phạm của Formosa vừa qua, Bộ trưởng cho rằng đây là sự phát hiện dũng cảm, trách nhiệm rất lớn của báo chí đối với người dân. Hiện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo kiểm điểm các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh. Sự việc này là thiếu sót rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Hiện, Bộ đang tiến hành kiểm kê lại toàn bộ chất thải của Formosa, kể cả số chất thải trong kho, số chất thải đã ký kết xử lý và sẽ tiếp tục kiểm tra còn chỗ nào nữa hay không. 

Hành vi cố tình đổ chất thải ra môi trường, kể cả chất thải công nghiệp không độc hại đều là sai phạm, hành vi của công ty môi trường Kỳ Anh rất nghiêm trọng – Bộ trưởng khẳng định. “Chúng tôi đánh giá đây là sai phạm có tổ chức, vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra để xử lý nghiêm khắc nhất. Formosa với việc thiếu trách nhiệm chưa phân loại chất thải, kiểm kê chất thải, cung cấp chất thải cho doanh nghiệp chưa đủ năng lực xử lý chất thải... thì cũng là một sai phạm” – ông Trần Hồng Hà nói. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, chất thải Formosa gồm nhiều nguồn, Bộ rất thận trọng trong việc kiểm nghiệm các chất thải này. Khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm đúng theo quy định. Hiện Bộ cũng đã đưa 2 phòng kiểm nghiệm di động để kiểm soát các chất thải của Formosa và cùng Formosa khắc phục các vấn đề trước đây liên quan đến công nghệ, hệ thống nước thải... để phòng ngừa sự cố môi trường, mục tiêu là kiểm soát toàn bộ các thông số môi trường. Bộ cũng yêu cầu Formosa có kế hoạch rõ ràng trong thống kê, kê khai để xử lý chất thải, kể cả chất thải thông thường và nguy hại. Một vấn đề khó khăn hiện nay là trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có doanh nghiệp đủ năng lực để xử lý chất thải, nên Formosa phải tìm doanh nghiệp ở ngoài tỉnh Hà Tĩnh. Trong quá trình vận chuyển chất thải của Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm soát chặt chẽ từ khâu vận chuyển đi đến khâu cuối cùng. 

*UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép đầu tư sai thẩm quyền 

Liên quan đến việc thuê đất của Formosa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho hay, theo Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm. Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014), tại Điều 47 đã quy định 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường. Trong Luật Đầu tư, Điều 48 có quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Đầu tiên phải tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật, sẽ bị ngừng hoạt động. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Hà Tĩnh được coi là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên đầu tư. Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là 70 năm. Đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép cấp phép 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm cùng với cho thuê đất 70 năm là sai thẩm quyền. 

Nhiều nội dung khác cũng được báo giới đề cập tại phiên họp lần này. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đào Quang Thu, dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà cho cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng như phía bắc. Quan điểm của Chính phủ là muốn tìm kiếm nguồn vốn, thu xếp vốn để triển khai dự án. Vừa rồi, phía Trung Quốc cũng đưa ra trong chương trình hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy cần phải thảo luận, đàm phán thêm nhiều vấn đề, nhất là việc lựa chọn nhà thầu, lãi suất, các điều kiện vay. Hiện nay Bộ đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn, có thể là vốn Trung Quốc hoặc nguồn vốn khác. 

Về việc Công ty Mobifone mua cổ phần của AVG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định Mobifone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. Việc mua cổ phần này là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, rất cần sự thận trọng. Ngày 22/7, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản số 1621 thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, giao cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là những chỉ đạo của Đảng và khối Chính phủ. Tuy nhiên, thanh tra gì, thanh tra như thế nào, đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng. Kết quả thanh tra sẽ được công bố sau. 

Tại buổi họp báo, liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là liên quan đến tổ chức, cá nhân có vi phạm là không có vùng cấm. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát hiện ra vi phạm đều bị xử lý minh bạch, công khai trước công chúng, trước nhân dân, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư./. 


Có thể bạn quan tâm