Nhiều thách thức trong quản lý hoạt động thương mại điện tử

Nhiều thách thức trong quản lý hoạt động thương mại điện tử
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy, thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây đều có mức tăng trưởng trên 20%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ thông qua thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng từ 2,2 tỷ USD (2013) lên 6,2 tỷ USD (2017). Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD, tương đương mỗi người dân sẽ chi 350 USD để mua sắm trực tuyến. Việt Nam cũng được dự đoán là một trog những nước có thị trường thương mại điện tử phát triển nhất ở khu vực Đông Nam Á.
 
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số và đang là quốc gia có tiềm lực mạnh về phát triển thương mại điện tử.

Hoạt động thương mại điện tử không chỉ diễn ra trên các website thương mại điện tử mà còn thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Việc mua bán hàng trực tuyến dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân.
 
Theo ông Cao Quốc Hưng, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử. Sau 5 năm thực hiện cùng với sự lan tỏa của công nghệ số, thương mại điện tử đã góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới của hệ thống phân phối nói riêng, cũng như thương mại nói chung tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhiều mô hình thương mại điện tử mới ra đời, hoạt động xuyên biên giới và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành. Do đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, chất lượng hàng hóa và thu thuế thương mại điện tử đang là bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm lời giải trong thời gian tới.
 
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phân tích, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng thương mại thế giới. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian ngắn đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử là cơ sở pháp lý lớn nhất điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử nhưng chỉ mới điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử qua các website có tên miền Việt Nam.
 
Trong khi đó, thương mại điện tử có đặc thù là dựa trên tảng công nghệ số, nền tảng internet, đây là các hạ tầng có tốc độ phát triển và thay đổi vô cùng nhanh. Nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện phức tạp về phương thức hoạt động và chủ thể tham gia, phạm vi giao dịch cũng không còn ở một quốc gia mà đã xuyên biên giới, vượt khỏi các khuôn mẫu kinh doanh truyền thống và đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý cũng như các cơ chế quản lý hiện hành.
 
Thêm vào đó, nhiều chủ thể là người bán hàng tham gia vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhưng không hiện diện (thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam) nên khi phát sinh vấn đề trong giao dịch sẽ rất khó liên hệ, yêu cầu phối hợp xử lý. Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Với đặc thù giao dịch qua mạng internet, người mua và người bán không trực tiếp gặp nhau làm phát sinh tình trạng nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng…gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.
 
Để giải quyết vấn đề trên, Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định khung mang tính cơ bản về thương mại điện tử để tăng giá trị pháp lý cao hơn nghị định cho cơ quan quản lý. Đồng thời, rà soát nghiên cứu hạ tầng chính sách về thương mại điện tử như xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện phù hợp với thực tiễn phát triển. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện Nghị định về cử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử để có cơ chế, chế tài đủ mạnh với các hành vi gian lận trong thương mại điện tử.
 
Các doanh nghiệp thương mại điện tử đề xuất, trước mắt, cần đưa các hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Đồng thời, cần có cơ chế, quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho cả người mua và người bán, góp phần phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam bền vững./.
Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm