Nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh miền núi Lào Cai

Nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh miền núi Lào Cai
Chất lượng dân số thấp
Ngày 2/3/2018, Bệnh viện huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tiếp nhận một ca cấp cứu tai biến do sinh tại nhà đến từ thôn Cốc Pục xã Xuân Quang huyện Bảo Thắng. Người nhà bệnh nhân cho biết, thai phụ tự sinh con ở nhà được mẹ chồng đỡ đẻ. Tuy nhiên, do đẻ khó, không biết xử trí thế nào, người mẹ đã dùng dao rạch vào vùng dưới của con dâu. Hậu quả, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu trẻ có nhiều vết xây xát da, có một vết thương dài 7cm, rộng 4 cm. Ngay lập tức, trẻ được khâu phục hồi. Rất may mắn các tổn thương chỉ ở lớp da bên ngoài.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng - Đơn vị dẫn đầu của ngành y tế tuyến huyện tỉnh Lào Cai. Ảnh: laocai.gov.vn
Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng - Đơn vị dẫn đầu của ngành y tế tuyến huyện tỉnh Lào Cai. Ảnh: laocai.gov.vn
Vào trung tuần tháng 4/2018, Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận hai trẻ bị uốn ván do được sinh tại nhà. Các bé này đều phải nằm trong phòng hồi sức điều trị đặt ống nội khí quản thở máy và duy trì an thần chống co giật 24/24 giờ. Sản phụ Ly Thị Chá (28 tuổi, Bản 9 Vài Siêu, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên) cho biết: "Khi sinh, tôi ngồi dựa ở ghế, phía dưới đất trải chăn, quần áo để lúc đẻ con ra con rơi xuống không bị đau. Sinh được hai ngày, con cứ khóc mãi không nín. Khi thấy con lả đi không khóc nữa, gia đình vội vàng cho đi bệnh viện". Bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp uốn ván sơ sinh, tập trung nhiều nhất ở huyện Bảo Thắng (3 trường hợp), còn lại là các huyện Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn. Các trẻ này được gia đình đưa đến nhập viện khoảng từ 3 đến 10 ngày tuổi trong tình trạng sốt, cứng hàm, bỏ bú, co giật. Cũng theo Bác sỹ Hồ Thị Kim Hoa, tập quán sinh đẻ tại nhà của những gia đình dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu của tỉnh Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi lân cận dễ dẫn đến tai biến cho cả mẹ và bé. Trẻ sơ sinh có thể bị ngạt chết, nhiễm trùng máu, uốn ván rốn... Bởi trên thực tế, khi sinh tại nhà, nhiều gia đình thường dùng dao, kéo không tiệt khuẩn và lấy dây lanh, sợi chỉ buộc rốn cho trẻ sau khi sinh. Người mẹ có thể bị băng huyết, vỡ tử cung... dẫn đến tử vong do cách xa các cơ sở y tế, các bệnh viện ở cơ sở gặp khó khăn khi cứu chữa do thiếu thốn về phương tiện. Trong một số trường hợp, bệnh uốn ván dù được chữa khỏi nhưng vẫn có nguy cơ để lại những di chứng nguy hiểm cho trẻ về thần kinh vì thiếu oxy não, hẹp đường thở (do thở máy lâu dài) Cùng với tình trạng sinh con tại nhà không có sự can thiệp của cán bộ y tế còn phổ biến ở các xã đặc biệt khó khăn, hủ tục tảo hôn ở vùng cao Lào Cai cũng chưa được xử lý dứt điểm. Thống kê trong năm 2017,  năm huyện vùng cao: Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát có tới gần 700 trường hợp phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên. Trong đó, tại các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, số phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, thực sự trở thành vấn đề đáng báo động. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lào Cai, chất lượng dân số của địa phương thấp còn thể hiện ở tỷ lệ kết hôn cận huyết cao, có dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh với tỷ số giới tính khi sinh là hơn 113 trẻ trai/100 trẻ gái; Trẻ em trên 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao với hơn 18%. Tuổi thọ trung bình của người dân Lào Cai thấp hơn trung bình toàn quốc gần 5 năm... Không chỉ vậy, Lào Cai là tỉnh trong nhóm có mức sinh cao với số con trung bình trên bà mẹ là 2,73 con (đứng thứ 8/63 tỉnh thành phố - theo Tổng cục Thống kê năm 2016). Ngoài ra, 5/9 huyện, thành phố có tỷ suất sinh thô trên 21%o, đó là: Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát. Năm 2017, Lào Cai còn đến 30 xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trên 20% như: xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn: 41%, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương: 38,3%.Ưu tiên nguồn lực ở địa bàn khó khăn Lào Cai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý với mức tăng dân số tự nhiên 1,2%, số con trung bình của một bà mẹ là 2,1 con; tỷ số giới tính khi sinh 109 trẻ trai/100 trẻ gái. Đồng thời, thực hiện dự phòng 3 cấp nhằm nâng cao chất lượng dân số với tỷ lệ khám, tư vấn sức khỏe trước kết hôn đạt 70%; giảm 50% số cặp tảo hôn; giảm 60% số cặp kết hôn cận huyết thống so với hiện nay... Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Lào Cai, đây là những công việc rất khó khăn, nhiều người không muốn làm vì thù lao, kinh phí hoạt động thấp, kết quả không nhìn thấy ngay, nhiều khi còn không được sự đồng thuận người dân... Vì vậy, đòi hỏi cần phải thật sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo thực hiện công tác này.
Cán bộ y tế tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ vùng cao Lào Cai.. Ảnh: Nguồn baolaocai.vn
Cán bộ y tế tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ vùng cao Lào Cai.. Ảnh: Nguồn baolaocai.vn
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; triển khai Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh yêu cầu đơn vị dân số cần đẩy mạnh xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, ưu tiên kinh phí của nhà nước cho người nghèo, địa bàn khó khăn. Theo đó, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để truyền thông cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đối với 5 địa bàn có mức sinh cao Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát và Si Ma Cai, các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ngoài ra, Lào Cai sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng giống nòi như: chống tảo hôn, kết hôn cận huyết; bất bình đẳng giới; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nhằm giảm  tử vong  mẹ, tử vong con và suy dinh trẻ em. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phải đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số; đa dạng hóa các gói bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau để các nhóm dân số đặc thù bình đẳng trong việc tham gia và thụ  hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Đồng thời, tỉnh có chính sách hỗ trợ đối tượng là người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các xã đặc biệt khó khăn.
Hương Thu 

Có thể bạn quan tâm