Nhiều nông, lâm trường quốc doanh ở Đắk Lắk sử dụng đất kém hiệu quả

Nhiều nông, lâm trường quốc doanh ở Đắk Lắk sử dụng đất kém hiệu quả

Giữ đất nhiều, hiệu quả ít

Hiện toàn tỉnh  Đắk Lắk có 62 nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và vườn quốc gia đang quản lý, sử dụng 646.638 ha đất các loại. Trong đó, 38 nông trường quản lý sử dụng 70.528,52 ha (10 nông trường địa phương quản lý sử dụng 24.476,82 ha; 28 nông trường Trung ương quản lý 44.203 ha); 23 lâm trường quản lý, sử dụng 562.503 ha. Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và các nghị định của Chính phủ, trong 3 năm (2005-2007), hầu hết các NLTQD đã được sắp xếp lại thành công ty nông, lâm nghiệp; riêng diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được thành lập Ban quản lý dự án và giao cho các ban này quản lý. Sau sắp xếp đổi mới, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 57 đơn vị, trong đó có 34 công ty nông nghiệp, 15 công ty lâm nghiệp, 6 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, 2 vườn quốc gia, đang quản lý sử dụng trên 534.690 ha. Điều đáng nói là đến nay chỉ một số ít đơn vị  “sống được”, còn phần đông các công ty nông, lâm nghiệp đều nợ lương công nhân, nợ thuế, ngân hàng dai dẳng mà không có bất cứ nguồn thu nào để trả nợ; nhiều công ty đã cổ phần hóa nhưng việc quản lý đất đai vẫn rất lỏng lẻo, đất bị chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích. Có nơi giao khoán đất cho người dân nhưng buông lỏng, không quản lý được hợp đồng giao khoán hoặc giao khoán trái luật dẫn đến những mâu thuẫn dai dẳng. Không chỉ vậy, có công ty còn khoán trắng, giao đất cho dân tự đầu tư canh tác, dẫn đến việc thỏa thuận mức khoán, quản lý diện tích đất không thống nhất, tùy tiện và hiệu quả sử dụng đất rất thấp… Trong số 9 công ty nông nghiệp do tỉnh quản lý, chỉ có 6 công ty sản xuất kinh doanh có lãi từ 2,01% đến 12,38% sau thuế; đối với 15 công ty lâm nghiệp chỉ có 1 đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi 4,9% sau thuế, 4 đơn vị thua lỗ, số còn lại chỉ đạt mức lãi thấp, dưới 0,1%.

Kiểm tra thực địa rừng
Kiểm tra thực địa rừng


Đừng chỉ thay “cái vỏ”

Có một thực tế là sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả các NLTQD lại được chuyển đổi thành các Công ty TNHH MTV, nhưng  vẫn tiếp tục trong tình trạng “sống dở, chết dở”. Tại hội thảo "Tình hình quản lý và sử dụng đất tại các NLTQD – thực trạng và những vấn đề đặt ra” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Đắk Lắk mới đây, Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản Bộ Tài Chính La Văn Thịnh cho rằng, để  nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các nông lâm trường cần có cái nhìn toàn diện, thực tế hơn vì từ trước đến nay ta chỉ thay cái vỏ. Theo ông Thịnh, từ năm 2004 đến nay, sau hơn 10 năm sắp xếp, đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý hơn 6 triệu ha đất, nhưng chỉ nộp thuế hơn 800 tỷ đồng, còn nợ lại gần 220 tỷ đồng nữa. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ rất lâu nhưng vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất vì chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính; không ít diện tích chưa thực hiện việc đo đạc, cắm mốc, đôi khi còn cấp chồng lấn lên nhau... Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cũng cảnh báo, nếu việc đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn tới làm không khéo còn có thể nảy sinh việc tranh chấp đất đai quyết liệt hơn, mất an ninh nông thôn. Bởi theo Nghị định 118 của Chính phủ về đổi mới và sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, khi sắp xếp, chuyển đổi sẽ thực hiện bằng hai cách là giải thể hoặc cổ phần hóa sẽ nảy sinh mâu thuẫn về cách tính giá trị vườn cây. Bởi theo giá Nhà nước thì mỗi héc-ta cây cà phê chỉ khoảng 80-90 triệu đồng nhưng giá thực tế lên đến khoảng 400-500 triệu đồng. Vậy phần chênh lệch  này sẽ tính toán như thế nào để bảo đảm hài hòa lợi ích?

Rõ ràng, quản lý, sử dụng đất ở các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại và đều là những tồn tại lâu năm. Do vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sắp xếp, đổi mới NLTQD nhưng cần tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” như trước đây; đồng thời địa phương cũng phải tích cực khắc phục những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được giao.

Theo thông tin từ hội thảo "Tình hình quản lý và sử dụng đất tại các NLTQD - thực trạng và những vấn đề đặt ra”, cả nước hiện có 145 Công ty TNHH MTV nông nghiệp, 148 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và 191 Ban quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích quản lý khoảng 6 triệu ha. Sắp tới, khi đổi mới, sắp xếp, các công ty, ban quản lý chỉ giữ lại khoảng 2 triệu ha, số còn lại giao về các địa phương quản lý, sử dụng…
Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm