Nhiều người Australia nhập viện với triệu chứng của bệnh sởi dù đã tiêm vaccine

Nhiều người Australia nhập viện với triệu chứng của bệnh sởi dù đã tiêm vaccine
Nghiên cứu dẫn số liệu thu thập trong giai đoạn 2014-2017 cho thấy có 13 trường hợp ở bang Victoria (Vích-to-ri-a) từng gặp phải hiện tượng "không đáp ứng với mũi vaccine thứ 2", vì khả năng miễn dịch của họ đối với căn bệnh chết người này đã suy yếu theo thời gian. Những bệnh nhân này không có những triệu chứng của bệnh sởi thông thường,  nghĩa là không bị sốt, ho hoặc sổ mũi. Tuy nhiên, họ vẫn bị phát ban.

Theo Tiến sĩ Dịch tễ học Katherine Gibney (Ca-thơ-rin Ghíp-ni) tại Khoa Y tế và Dịch vụ con người thuộc viện Peter Doherty, thông thường mọi người nghĩ rằng với 2 mũi vaccine họ có thể miễn nhiễm với bệnh sởi, nhưng nghiên cứu này chỉ ra rằng một số người vẫn mắc sởi mặc dù đã tiêm vaccine. Bà cho biết trong hầu hết các trường hợp, các bệnh nhân nghĩ rằng họ không cần mũi vaccine thứ hai, hoặc đơn giản là họ không nhớ đã tiêm một hay hai mũi vaccine. Vì vậy, bà Gibney khuyến cáo những người không nhớ rõ số mũi vaccine sởi họ đã tiêm phòng cần đến các trung tâm y tế để tiêm thêm mũi nữa. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tác dụng ngăn ngừa bệnh sởi khi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine trước khi có thể khuyến cáo điều này. Các nhà khoa học cần biết chắc rằng liệu mũi vaccine thứ 3 có thể củng cố hệ miễn dịch đối với bệnh sởi trọn đời hay không.

Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng phát trở lại của căn bệnh từng được xóa bỏ này có liên quan đến phong trào chống vaccine ở các nước phát triển. WHO cũng coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu.
Thùy An

Có thể bạn quan tâm