Nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn gay gắt

Nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn gay gắt
Hạn, mặn đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa mùa của huyện Thới Bình. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
 Hạn, mặn đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa mùa của huyện Thới Bình. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Gay gắt tình hình hạn, mặn… Toàn huyện Thới Bình có hơn 18.600 ha sản xuất lúa – tôm. Theo báo cáo của UBND huyện, đến thời điểm này đã có hơn 10.700 ha thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó, hơn 5.700 ha bị thiệt hại trên 70%. Điều này không chỉ gây thiệt hại về sản xuất của người dân mà đến nay một phần xã Tân Bằng, Biển Bạch còn không thể khai thác nước ngầm vì nhiễm phèn mặn. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, địa phương đang tích cực khảo sát, kiến nghị phát triển hệ thống nước nối mạng, giúp người dân các vùng này có được nguồn nước sạch sinh hoạt. Đối với những nơi dân cư thưa thớt cần hỗ trợ dụng cụ tích trữ nước có dung tích lớn hơn. Hiện trên địa bàn có trên 3.000 hộ đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Tuy tình hình không gay gắt như ở huyện Thới Bình, song huyện Trần Văn Thời hiện cũng có đến 142 hộ có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Dự báo, con số này sẽ tăng nhanh lên 780 hộ trong thời gian ngắn sắp tới. Đặc biệt, cuộc sống của 38 hộ dân trên đảo Hòn Chuối, hiện rất cần được cung cấp nước ngọt từ đất liền khi trên đảo không có nguồn nước.
Độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích canh tác lúa - tôm của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
 Độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích canh tác lúa - tôm của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Bên cạnh đó, tại các vùng sản xuất lúa - tôm, độ mặn tăng cao đã gây thiệt hại 327,3 ha, tập trung tại hai xã Lợi An và Phong Lạc. Huyện có khoảng 150 ha lúa vụ Đông - Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiếu nước nghiêm trọng, khả năng thiệt hại hoàn toàn là khó tránh khỏi. Mực nước dưới các tuyến kênh vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng đã khô kiệt, gây sụt lún đất nghiêm trọng dọc theo tuyến kênh, hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Theo ông Sử Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, hiện đã có 81 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 6,7 km; trong đó, tình trạng sạt lở, sụt lún đất do khô hạn các tuyến kênh diễn ra tại 9 xã vùng ngọt mà nhiều nhất là tại xã Khánh Hải với 14 điểm và tổng chiều dài trên 1.500 m. Diễn biến của khô hạn đang hồi khốc liệt và dự báo kéo dài đến hết tháng 4 nên ảnh hưởng sẽ càng nghiêm trọng hơn. Tại Cà Mau, đến thời điểm này đã có trên 16.500 ha lúa - tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; hơn 24.000 ha lúa mùa, lúa Đông – Xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước; hơn 20.000 hộ dân khó khăn về nguồn nước sinh hoạt; có 11 điểm xảy ra sự cố sụt lún do hạn hán gây ra, tập trung nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng. Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn khảo sát từng trường hợp thiếu nước một cách cụ thể để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, bền vững...Nâng cao ý thức ứng phó của người dân Tại các ấp Huyền Thiện, Hữu Thời, Sáu La Cua thuộc xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho thấy, hầu hết những trà lúa trong giai đoạn làm đòng đều bị ảnh hưởng, không thể trổ bông... Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết diễn biến thất thường, độ mặn tăng cao và sử dụng giống lúa không phù hợp. Diện tích lúa bị thiệt hại phần lớn tập trung tại những ruộng lúa sản xuất giống một bụi đỏ, bởi giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài, dễ thiệt hại do gặp thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng cao. Theo thống kê của ấp Huyền Thiện, toàn ấp có khoảng 400 ha diện tích sản xuất  lúa – tôm nhưng thời điểm này có khoảng 70% diện tích bị thiệt hại. Ông Huỳnh Công Thành - Trưởng ấp Huyền Thiện chia sẻ, từ đầu vụ, ấp đã họp dân để hướng dẫn kê khai sản xuất ban đầu; đồng thời, khuyến cáo người dân nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày để sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, rất khó để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân bởi họ vẫn tin tưởng sản xuất giống lúa một bụi đỏ dù thời gian canh tác dài, giá bán rẻ hơn so với giống ST24, ST25. Cùng gặp khó khăn tương tự, ông Nguyễn Thành Điền - Trưởng ấp Sáu La Cua cho biết, vụ lúa mùa vừa qua, ấp đã vận động người dân thay đổi giống lúa mới để canh tác. Thế nhưng, người dân vẫn lo ngại giống lúa mới khó tiêu thụ, không có đầu ra nên không chịu chuyển đổi. Ông Lý Minh Vững - Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, địa phương đã thí điểm liên kết với doanh nghiệp đầu tư cho nông dân xã Thới Bình vật tư, giống lúa… để canh tác. Thế nhưng, sau khi thu hoạch thì người dân không chịu bán, điều này ảnh hưởng lớn đến liên kết trong tương lai. Vấn đề chính yếu vẫn là nông dân phải giữ được chữ “tín” khi cam kết với các tổ chức, doanh nghiệp thì mới hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất.
Hoa màu của nông dân huyện Trần Văn Thời đang đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Hoa màu của nông dân huyện Trần Văn Thời đang đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Trước thực tế sản xuất không theo khuyến cáo và gặp nhiều thiệt hại như vụ mùa vừa qua, hiện phần lớn người dân đã có sự chuyển biến nhận thức về chuyển đổi giống sản xuất và cam kết tới đây sẽ chuyển sang giống lúa ST24 - giống lúa đã được bao tiêu đầu ra sản phẩm thông qua việc hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp thu mua lúa nguyên liệu. Theo cảnh báo của các chuyên gia, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay sẽ khốc liệt hơn so mùa khô 2015 - 2016 và thiệt hại cũng nặng nề hơn. Nông dân Cà Mau đã có nhiều bài học khi chủ quan trước các cảnh báo và cần phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Thực tế, thiệt hại trong vụ lúa – tôm vừa qua của nông dân huyện Thới Bình không chỉ do nguyên nhân khách quan của thời tiết mà còn có do ý thức chủ quan của người dân nơi đây.

Huỳnh Anh

Có thể bạn quan tâm