Nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn để sản xuất hiệu quả ở Kiên Giang

Nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn để sản xuất hiệu quả ở Kiên Giang
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Sản xuất trong hạn mặn bủa vây

Trước khi vào mùa vụ, sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, do mùa lũ năm 2019 Đồng bằng sông Cửu Long gần như không có lũ, mùa mưa kết thúc sớm, thiếu hụt nguồn nước ngọt nghiêm trọng, kịch bản xâm nhập mặn, hạn hán gay gắt mùa khô 2015 - 2016 có khả năng tái diễn, gây bất lợi cho sản xuất. Nông dân Nguyễn Minh Tú, Hợp tác xã Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp chia sẻ, mùa lũ không về, nước không tràn đồng, ruộng đồng thiếu phù sa, các độc chất, mầm bệnh không được rửa trôi ảnh hưởng bất lợi đến sự sinh trưởng phát triển của cây lúa. Ngoài ra, nguy cơ sâu bệnh xuất hiện gây hại lúa rất cao, tốn kém chi phí sản xuất nhiều hơn.
 
Để chủ động phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2019 - 2020, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi xác định vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất như: vùng ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, ven sông Cái Lớn - sông Cái Bé, các huyện vùng U Minh Thượng, chủ động thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm - lúa”.

Theo đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát lại vùng, khu vực có nguy cơ bị thiếu nước, xâm nhập mặn, nạo vét kênh mương để tăng khả năng trữ nước ngọt. Chi cục Thủy lợi Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống cống trên 2 tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương và An Biên - An Minh, địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành, tuyến đê bao Ô Môn - Xà No thuộc 2 huyện Giồng Riềng và Gò Quao để ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

Mặt khác, các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn đã đắp 193 đập đất ngăn mặn theo thời vụ ở các huyện An Minh, An Biên, Giang Thành, Kiên Lương, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.

Ngoài việc đắp đập Hòa Điền (huyện Kiên Lương) bằng cừ Larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên vào đầu tháng 8/2019, tỉnh đắp thêm 3 đập cừ Larsen trên Kinh Nhánh (thành phố Rạch Giá); kênh Ông Hiển, xã Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành); kênh Chưng Bầu thuộc xã Minh Hòa (huyện Châu Thành) và Long Thạnh (huyện Giồng Riềng) ngăn mặn xâm nhập, giữ nguồn nước ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và một phần Tây sông Hậu. Cùng với đó, Kiên Giang công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh cấp độ 1 rủi ro thiên tai do hạn mặn, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân biết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm nước, chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho hay, về công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh chuẩn bị các phương án sẵn sàng hỗ trợ nhân dân khi cần thiết. Các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản bất lợi về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp, đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất, ứng phó hiệu quả với hạn mặn, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại sản xuất. Hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang và An Giang phối hợp thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên trên địa bàn 2 tỉnh để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.

Nhờ chủ động thực hiện hiệu quả giải pháp thủy lợi trong “cơn bão khô”, hạn mặn bủa vây mà tỉnh Kiên Giang sản xuất thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020, với năng suất bình quân hơn 7,2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch trên 2 triệu tấn. Diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn mặn khoảng 4.220 ha, trong đó hơn 1.550 ha thiệt hại dưới 30%, trên 1.800 ha thiệt hại 30 - 70% và còn lại thiệt hại 70 - 100%, tập trung chủ yếu ở 3 huyện U Minh Thượng, Hòn Đất và Kiên Lương.

Xây dựng lịch thời vụ 3 vùng sản xuất

Từ dự báo sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 gặp nhiều khó khăn, ngoài việc chủ động thực hiện các giải pháp thủy lợi ứng phó hạn mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang xây dựng lịch thời vụ trên 3 vùng sản xuất Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, khuyến cáo nông dân tuân thủ gieo sạ đúng lịch để hạn chế dịch bệnh gây hại, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt.

Ông Huỳnh Văn Nhã, Giám đốc Hợp tác xã Năm Hải, huyện Giồng Riềng cho biết, tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, bà con xã viên tập trung xuống giống vào nửa cuối tháng 12/2019. Nhờ vậy, vụ Đông Xuân này, năng suất lúa của hợp tác xã đạt 8 - 9 tấn/ha, lợi nhuận vượt trội so với mọi năm nhờ lúa có giá khá cao. Lúa chất lượng cao (tươi) 5.600 - 6.000 đồng/kg và lúa khô 6.300 - 6.800 đồng/kg, một số giống lúa Nhật, Đài thơm 8 giá 6.800 - 7.500 đồng/kg, bà con xã viên rất phấn khởi”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, sở chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương quản lý, gieo sạ đúng lịch thời vụ, hướng dẫn nông dân khâu làm đất, rửa mặn đồng đất vùng ven biển, chuẩn bị lúa giống, vật tư nông nghiệp, khuyến cáo bà con gieo trồng giống chất lượng cao, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, phần lớn nông dân trong tỉnh chọn giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gieo trồng như nhóm giống gạo thơm gồm: Jasmine85, Đài thơm 8, OM4900, ST24…; nhóm giống hạt dài, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt như: OM5451, GKG1, OM2517, OM6976…; nhóm giống hạt tròn Japonica và nếp gồm: ĐS1, IR4625... Tổng diện tích sản xuất của 3 nhóm giống lúa này chiếm hơn 85% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân toàn tỉnh. Tỉnh xây dựng 34 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp hơn 19.000 ha.

Cùng với đó, hầu hết nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung, né rầy và phòng tránh thiếu nước, xâm nhiễm mặn. Ngành nông nghiệp Kiên Giang tăng cường công tác khuyến nông, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa như: bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “bốn đúng”, an toàn và hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường, bất lợi trong sản xuất lúa.

Phấn khởi trước vụ mùa bội thu, nông dân Lê Văn Kết, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho biết, đầu vụ, ngành nông nghiệp dự báo cho nông dân là sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi do hạn mặn mùa khô năm nay sẽ diễn ra phức tạp cần phải chủ động ứng phó để sản xuất an toàn, đạt hiệu quả. Nông dân chúng tôi sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gieo sạ đúng lịch thời vụ, chọn giống lúa chất lượng cao gieo trồng, áp dụng quy trình canh tác 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm vào đồng ruộng, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt. Vụ Đông Xuân này, gia đình ông sản xuất 3 ha thu hoạch gần 30 tấn lúa, thương lái mua tại ruộng 5.800 - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất lãi khá hơn những vụ mùa trước.

Ông Đỗ Minh Nhựt chia sẻ, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nông dân sản xuất được mùa và bán được giá khá cao so với mọi năm, bà con rất phấn khởi, góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn dịch COVID-19. Tín hiệu đáng mừng của ngành nông nghiệp Kiên Giang là trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, thời tiết không thuận lợi và bất thường gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất, nhưng nông dân bước đầu đã biết cách ứng phó để chủ động trong sản xuất hiệu quả.
Lê Huy Hải
TTXVN

Có thể bạn quan tâm