Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất tôm giống

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất tôm giống
Sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, điều kiện tự nhiên, nguồn nước biển, khí hậu đặc trưng là những yếu tố thuận lợi giúp Ninh Thuận có ưu thế đặc biệt hơn các địa phương khác để phát triển sản xuất tôm giống. Hiện Ninh Thuận có gần 500 cơ sở/1.200 trại sản xuất tôm giống, hàng năm sản xuất từ 25 tỷ – 30 tỷ postlarvae (chủ yếu tôm sú và tôm thẻ chân trắng) cung cấp cho khoảng 30% nhu cầu nuôi tôm của cả nước. Chất lượng con giống là khâu trọng yếu trong quá trình nuôi tôm. Để giữ tín nhiệm với người nuôi, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh tập trung đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn khép kín. Cùng đó, áp dụng công nghệ lắng lọc nước xử lý bằng ozone, tia cực tím; ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh; ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất như PCR, Realtime – PCR; kiểm đếm tôm bằng máy tự động nhằm tạo ra con tôm giống chất lượng cao. Cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, ương dưỡng cũng như hoạt động kinh doanh, vận chuyển tôm giống. Tôm giống xuất ra khỏi địa bàn tỉnh phải có xuất xứ, nguồn gốc tôm giống bố mẹ, nauplius (ấu trùng) từ những cơ sở nhập đàn tôm bố mẹ được giám sát chặt chẽ theo quy định. Đặc biệt, cơ sở sản xuất tôm giống phải đảm bảo yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-81:2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được xét nghiệm âm tính với các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và hoại tử cơ quan biểu mô. Ninh Thuận thực hiện kiểm tra chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho các cơ sở sản xuất tôm giống.
Xét nghiệm mẫu tôm tại Trạm kiểm dịch thủy sản An Hải (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Xét nghiệm mẫu tôm tại Trạm kiểm dịch thủy sản An Hải (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Danh sách các cơ sở sản xuất tôm giống được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch với các thông tin như tên cơ sở sản xuất, kết quả xét nghiệm, số lượng con giống, chủng loại, nhãn hiệu bao bì sản xuất, mục đích sử dụng, nơi đến, biển số xe vận chuyển sẽ được cập nhật thường xuyên vào lúc 16 giờ 30 phút hàng ngày trên trang web: http//chicuccntyninhthuan.gov.vn để các cơ sở nhập tôm giống ở các tỉnh, thành cùng giám sát, theo dõi. Tỉnh còn cung cấp thông tin những cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng đảm bảo để người nuôi liên hệ mua. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận Dư Ngọc Tuân cho biết, tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở sản xuất  đáp ứng được tiêu chí như: nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; yêu cầu vệ sinh phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học; không sử dụng kháng sinh và chất cấm trong quá trình sản xuất giống; không sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học ngoài danh mục được phép lưu hành. Việc cấp, dán nhãn hiệu chứng nhận sẽ góp phần nâng cao uy tín cho cơ sở sản xuất, ngăn chặn hiện tượng sản xuất tôm giống kém chất lượng, tránh rủi ro cho người nuôi tôm. Ninh Thuận có chủ trương mở rộng khu sản xuất giống thủy sản tập trung xã An Hải lên 186,6 ha. Khu sản xuất giống thủy sản xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) hơn 100 ha, tập trung hơn 60% số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, sản lượng chiếm khoảng 45 đến 55% sản lượng giống của tỉnh cũng đang được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Để chủ động nguồn tôm giống bố mẹ, Tập đoàn Việt Úc – Ninh Thuận đã khởi công xây dựng Trung tâm Sản xuất tôm giống bố mẹ tại thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) với công suất 300.000 cặp/năm. Công ty TNHH Moana Ninh Thuận cũng đang xúc tiến mở rộng quy mô sản xuất tôm sú bố mẹ để nâng sản lượng từ 18.000 cặp/năm hiện nay lên 30.000 cặp/năm để cung cấp cho các trang trại sản xuất tôm giống trong cả nước. Tới đây, Ninh Thuận sẽ rà soát, quy hoạch trại sản xuất; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tôm giống quy mô nhỏ lẻ liên kết đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật hình thành cơ sở sản xuất lớn đáp ứng các tiêu chí hiện đại. Mục tiêu đặt ra là nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản xuất giống thủy sản đạt trên 36 tỷ con giống; trong đó 85% là tôm giống.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm