Nhiều dự án Treo" ở Đắk Lắk:gây lãng phí tài nguyên

Nhiều dự án Treo" ở Đắk Lắk:gây lãng phí tài nguyên
Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có hàng chục dự án đã được phê duyệt, giao đất nhưng triển khai chậm tiến độ hoặc đang "đắp chiếu" gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là trong số đó có nhiều địa điểm được xem là khu đất “vàng”, đơn cử như dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center do Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên làm chủ đầu tư (theo Quyết định số 1914/QĐ-UBND, ngày 21-8-2012 của UBND tỉnh) với tổng diện tích đất thuê là 3.385 m2 trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vào cuối tháng 6 vừa qua, công trình mặc dù đang trong giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục gồm: xây dựng phần thô (1 tầng hầm và 4 tầng) nhưng hiện đã ngừng thi công; trước đó, nhà đầu tư cũng đã được UBND tỉnh cho gia hạn nhiều lần. Hay như dự án Bãi đậu xe phía Bắc do Hợp tác xã Vận tải số 1 làm chủ đầu tư thuê diện tích đất gần 4.000 m
2 tại đường Hà Huy Tập, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010, nhưng đến nay, đơn vị chỉ mới xây dựng tường rào bao quanh khu đất dự án. Do gặp khó khăn trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và khả năng tài chính, hiện nay chủ đầu tư không còn nguyện vọng triển khai thực hiện dự án và đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất nêu trên; đồng thời, xin được hoàn trả các khoản chi phí đã đầu tư. Đặc biệt, đối với dự án Xây dựng văn phòng làm việc và cửa hàng mua bán nông sản trên diện tích hơn 5.500 m2 ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH Thương mại Hoa Đào, sau hơn 3 năm kể từ ngày giao đất, chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện các hạng mục theo dự án đã phê duyệt. Không những thế, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì Công ty không có mặt tại địa điểm đăng ký kinh doanh, số tiền nợ ngân sách Nhà nước trên 115 triệu đồng.

 
Dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center hiện đang ngừng thi công.
Dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại, dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk Center hiện đang ngừng thi công.

Ngoài địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tại các địa phương khác như huyện Ea H’leo, Lắk, Ea Kar, M’Đrắk… cũng đang tồn tại nhiều dự án “treo”, sử dụng sai mục đích; trong đó, một số nơi do chủ đầu tư không thực hiện dự án đã để đất được Nhà nước cho thuê bị lấn chiếm trong thời gian dài. Cụ thể, ở huyện Ea H’leo, Công ty TNHH Nguyên Khôi là chủ đầu tư dự án Nhà máy chế biến đá Granit tại thôn  2A, xã Ea H’leo, kể từ khi UBND tỉnh cho thuê 50.000 m2 đất (năm 2008), Công ty đã không thực hiện dự án để đất bị lấn chiếm. Hiện nay, Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất thuộc dự án nêu trên giao cho địa phương quản lý. Tại huyện Lắk, Công ty TNHH Lan Chi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk đã sử dụng sai mục đích thuê đất ban đầu khi tự ý trồng cao su trên phần diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê để sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất ở xã Đắk Nuê. Trước hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, Sở TN-MT đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 Công ty này số tiền 30 triệu đồng…

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006-2015 toàn tỉnh có 55 dự án chậm tiến độ. Trong đó, đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 27 dự án do chủ đầu tư không thực hiện các quyết định đã phê duyệt. Điều đáng nói là trong các dự án chậm tiến độ này, có dự án được cho thuê đất với tổng diện tích hàng chục héc-ta như dự án trồng cao su ở huyện Ea H’leo 438 ha; Khu du lịch thác Krông Kmar, huyện Krông Bông 25 ha (đề nghị thu hồi), Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Quốc tế Ea Tam trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với diện tích gần 49 ha…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án chậm tiến độ và quy hoạch treo bên cạnh do suy thoái kinh tế chung ảnh hưởng đến khả năng tài chính của nhà đầu tư, hoặc vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng thì còn nguyên nhân  do việc kiểm soát và quản lý thực hiện còn chậm, cán bộ làm công tác này tại các địa phương thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Nghiêm trọng hơn là có những chủ đơn vị, doanh nghiệp không có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, lợi dụng cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh để thuê đất, sau đó tìm cách sang nhượng trái phép để kiếm lời. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách Nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là gây bức xúc trong cộng đồng dân cư bởi trong khi những khu đất dự án bỏ hoang còn người dân lại không có đất để sản xuất; đó là chưa kể đến việc các hộ dân chây lì lấn chiếm đất để sản xuất, xây dựng nhà ở trái phép.

Tỉnh 
Đắk Lắk đang tập trung  rà soát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đã có quyết định cho thuê đất của Nhà nước, xử lý dứt điểm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định. Động thái này thể hiện quyết tâm cao nhằm đưa công tác quản lý đất đai ngày càng có hiệu quả.

Báo Đắk Lắk điện tử

Có thể bạn quan tâm