Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần xử lý, khắc phục khẩn cấp tại Tiền Giang

Nguy cơ sạt lở tiềm ẩn trong những ngày tới, hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại tuyến đê bao Tây Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Nguy cơ sạt lở tiềm ẩn trong những ngày tới, hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại tuyến đê bao Tây Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Do có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp. Nặng nhất là khu vực các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây (đầu nguồn sông Tiền). Tại đây, sạt lở vẫn đang diễn biến khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần xử lý, khắc phục khẩn cấp tại Tiền Giang ảnh 1

Nguy cơ sạt lở tiềm ẩn trong những ngày tới, hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại tuyến đê bao Tây Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo thống kê, Tiền Giang hiện còn 98 điểm sạt lở lớn, tổng chiều dài gần 4.200 m. Nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp để bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Cụ thể: khu vực sạt lở bờ kênh 28 qua địa bàn huyện Cái Bè có tổng chiều dài khoảng 3.300 m, ảnh hưởng đến 1.320 hộ dân đang sinh sống ven kênh. Điểm sạt lở khu vực vàm Kỳ Hôn trên kênh Chợ Gạo (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) có chiều dài khoảng 1.500 m (mỗi năm mất 2.000 m2 đất), ảnh hưởng đến 2.549 hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu. Các điểm sạt lở trên cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) ảnh hưởng 410 ha vườn cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao cũng như hàng ngàn hộ dân...

Cù lao Tân Phong là một trong những điểm nóng về sạt lở trên sông Tiền. Bình quân mỗi năm, tại xã Tân Phong, sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 2 - 3 m, diện tích đất sản xuất bị mất lên đến 2 - 3 ha, ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống người dân. Xã Tân Phong có khoảng 30 hộ dân sống dọc theo đê bao sông Tiền từng phải di dời nhiều lần do thiên tai, sạt lở. Ông Hồ Văn Đức (ấp Tân Thiện) cho biết, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông mất gần 1.000 m2 đất do sạt lở, đời sống rất khó khăn.

Trước mắt, Tiền Giang đã đầu tư hoàn thành tuyến kè chống sạt lở tổng chiều dài hơn 1.700 m, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân xã Tân Phong. Đồng thời, Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đầu tư hơn 118 tỷ đồng làm kè kiên cố phòng, chống sạt lở trên đoạn đê dài trên 900 m. Dự kiến, công trình hoàn thành trong năm 2023 đáp ứng nguyện vọng nhân dân.

Tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), khu vực vàm Kỳ Hôn nối kênh Chợ Gạo với sông Tiền thường xuyên đối mặt thiên tai, sạt lở. Hiện, trên 100 hộ dân ấp Tân Hòa (xã Xuân Đông) - địa bàn sạt lở nặng nề mong muốn được Nhà nước đầu tư tuyến kè kiên cố dài khoảng 530 m để khắc phục, bảo vệ bờ kênh, đê điều và vườn cây.

Sông Ba Rài là một trong những tuyến sông sạt lở nặng nề nhất vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh. Tuyến sông này chảy qua huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã có hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ. Trong đó, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng phải đầu tư kinh phí lớn để xử lý, khắc phục.

Trước tình hình trên, tỉnh đã chủ động các giải pháp ứng phó, phòng, chống sạt lở, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân cũng như các công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn. Địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động ngăn ngừa thông qua việc trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi, hạn chế các nguyên nhân dẫn đến sạt lở bảo vệ vườn cây, nhà cửa, khu dân cư; tiến tới xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kênh, rạch trên địa bàn một cách hợp lý và hiệu quả bền vững.

UBND tỉnh giao các địa phương rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở theo phân cấp quản lý. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư. Các điểm phức tạp, tỉnh sẽ đầu tư khắc phục trên cơ sở huy động nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bờ sông, kênh rạch. Năm 2023, tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai nhiều công trình phòng, chống sạt lở như: công trình Kè chống sạt lở bờ kênh 28, chiều dài 706 m, kinh phí đầu tư trên 57,5 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông Tiền đoạn cù lao Tân Long, chiều dài 700 m, kinh phí gần 48 tỷ đồng. Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè, huyện Cái Bè, quy mô đầu tư 300 tỷ đồng nhằm bảo vệ 560 ha đất sản xuất cũng như an toàn tính mạng và tài sản nhân dân địa phương.

Năm 2022, Tiền Giang đã đầu tư trên 86,6 tỷ đồng xử lý 104 điểm sạt lở với chiều dài 5.020 m. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ xử lý 58 điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng và ngân sách cấp huyện xử lý 46 điểm còn lại.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm