Nhiều điểm, khu di tích ở Lạng Sơn bị xâm hại, lấn chiếm

Nhiều điểm, khu di tích ở Lạng Sơn bị xâm hại, lấn chiếm
Trong khu vực Di tích nhà bia Thuỷ Môn Đình (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) bị 19 hộ gia đình xây dựng nhà ở. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Trong khu vực Di tích nhà bia Thuỷ Môn Đình (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn) bị 19 hộ gia đình xây dựng nhà ở. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Tại di tích cấp quốc gia Nhị - Tam Thanh (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn), hiện có trên 370 hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực bảo vệ di tích. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại đây có khoảng 200 căn nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, không đảm bảo về chỗ ở cho người dân. Chính vì thế, nhiều hộ gia đình đã cơi nới, xây dựng nhà ở trong khu vực bảo vệ di tích, gây ảnh hưởng đến giá trị vốn có của di tích. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân trong khu vực khối 6, 7 phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đang trực tiếp thải hàng nghìn m3 nước sinh hoạt và rác bẩn mỗi năm xuống dòng suối Ngọc Tuyền -  di tích Nhị - Tam Thanh, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn tại di tích cấp tỉnh pháo đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), xung quanh khu vực chân pháo đài hiện có 30 hộ gia đình vi phạm xây dựng trên diện tích đất đã quy hoạch; 130 hộ gia đình vi phạm, xâm lấn, xây dựng nhà trên đất đã khoanh vùng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng Sái Văn Chung cho biết: Nhiều hộ dân đã đến ở quanh khu vực từ nhiều năm nay, trước khi di tích được công nhận. Tuy nhiên, họ không xây dựng nhà kiên cố. Nếu sau này có trùng tu, tôn tạo, tu bổ để khai thác giá trị di tích để phục vụ du lịch, các hộ sẽ đồng thuận trả lại mặt bằng, tuy nhiên các cấp, các ngành cần sớm có phương án hỗ trợ tái định cư cho những hộ này.
Di tích Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) cỏ mọc um tùm. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Di tích Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) cỏ mọc um tùm. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Trước thực trạng nhiều di tích đã bị xâm hại, lấn chiếm, ngành Văn hóa tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các Đội kiểm tra liên ngành các cấp tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động tại các điểm di tích trên địa bàn. Qua đó, các đội kiểm tra đã tiến hành lập nhiều biên bản và xử phạt các hành vi vi phạm, yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm chủ động khắc phục hậu quả nhằm khôi phục lại không gian cảnh quan của di tích, bảo vệ an ninh trật tự và nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng tại di tích và cơ sở thờ tự. Đầu năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cũng đã thực hiện phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích trên từng địa bàn cụ thể.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên không thể “một sớm, một chiều”, bởi việc xâm hại, lấn chiếm chủ yếu là chiếm dụng mặt bằng, cơi nới, xây dựng công trình, nhà ở đã tồn tại từ nhiều năm nay, thậm chí có nhà được xây dựng trước thời điểm các khu di tích được quy hoạch. Hơn nữa, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia còn chậm, do đó chưa có cơ sở pháp lý để khoanh vùng bảo vệ. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý di tích tại cơ sở chưa thực sự chặt chẽ và quyết liệt…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết: Ngoài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật và giá trị của các loại hình di tích, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ trong nhân dân. Về lâu dài, Lạng Sơn cần xây dựng chế tài xử phạt đủ sức răn đe những hành vi lấn chiếm, xâm hại di tích; có cơ chế hỗ trợ người trông coi, bảo vệ di tích, đặc biệt là các di tích thuộc loại hình khảo cổ, lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn thu công đức…; qua đó, khắc phục dần thực trạng xâm hại, lấn chiếm, sớm trả lại cảnh quan vốn có của các khu di tích.
 
Quang Duy
TTXVN

Có thể bạn quan tâm