Nhiều cửa hầm ở Địa đạo Vịnh Mốc bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng

Là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, đã từ lâu Địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nổi tiếng trong và ngoài nước bởi sự độc đáo riêng biệt, được quân và dân huyện Vĩnh Linh xây dựng nên trong những năm kháng chiến. Thế nhưng, hiện nay, các cửa hầm của di tích này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng khi hệ thống giá đỡ bằng gỗ bị hư hại nặng và sập…

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 1Cửa hầm số 11 bị hư hại nặng và đã bị đóng cửa để đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Theo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, từ năm 1996 - 2000, Ban Quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc đã phục dựng lại các cửa ra vào ở Địa đạo Vịnh Mốc bằng cách ốp gỗ lim dọc các cửa với chiều dài khoảng 20m thay cho bàn, ghế, đồ dùng bằng gỗ được người dân chống đỡ tại các cửa hầm trong những năm chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa vào khai thác Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này đang gặp nhiều khó khăn khi các cửa hầm bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 2Một cửa hầm tại Địa đạo Vịnh Mốc bị hư hại nặng phải đóng cửa. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Vịnh Mốc chia sẻ: Do tác động của thời gian, những đoạn gia cố bằng gỗ tại các cửa hầm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cửa hầm đã bị sập, đặc biệt là các cửa hầm thông ra biển. Để bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, Ban Quản lý đã dừng khai thác du lịch tại các cửa hầm này, đồng thời thay đổi lộ trình tham quan dưới lòng địa đạo. Mặt khác, cảnh báo du khách không tự ý tham quan tại các đường hầm có cửa hầm bị hư hại, tránh nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Ban Quản lý đã gửi các tờ trình lên các sở, ban, ngành có liên quan với mong muốn sớm triển khai biện pháp trùng tu lại các cửa hầm. Từ đó, góp phần bảo vệ di tích, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước…

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 3Hệ thống gỗ lim ở các cửa hầm đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Theo Ban Quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc, hiện có 10/13 cửa hầm bị hư hại nặng, 3 cửa hầm còn lại đang khai thác du lịch. Ghi nhận thực tế bên trong địa đạo tại một số cửa hầm như số 1, số 2, số 6, số 12, số 13…, một số cửa hầm có hệ thống giá đỡ bằng gỗ đã bị mục nát, sập, xếp chồng lên nhau nằm chắn ngang cửa hầm. Một số cửa bị nhẹ hơn trong tình trạng lung lay, mục nát có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ở bên ngoài cửa hầm, để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý đã dùng thanh gỗ chắn lại tránh tình trạng du khách không biết đi vào tham quan.

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 4Một cửa hầm bị đóng do hệ thống gỗ lim ở cửa bị hư hại, đổ sập. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Theo ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, việc bảo vệ và khai thác du lịch tại Địa đạo Vịnh Mốc biện gặp nhiều khó khăn do tình trạng xuống cấp tại các cửa hầm. Qua hơn 10 năm sử dụng, do điều kiện thời tiết dưới địa đạo ẩm ướt khiến hệ thống giá đỡ này nhanh hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, địa đạo nằm ở vùng đất đỏ bazan nên có nhiều mối, mọt làm hư hại. Chính vì vậy, hiện nay, các cửa ra vào của Địa đạo Vịnh Mốc đặc biệt là những cửa ít người lên xuống đã bị sập. Bên cạnh các cửa ra vào, một số hầm lán, giao thông hào cần thiết được phục dựng lại giống với nguyên bản ban đầu.

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 5Một cửa hầm bị mục nát, xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

HĐND tỉnh Quảng Trị đã ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Địa đạo Vịnh Mốc. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi nguồn vốn phân bổ có hạn nên không thể trùng tu, tôn tạo hết các hạng mục bị xuống cấp. Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng lại hệ thống cửa ra vào, giao thông hào tại Địa đạo Vịnh Mốc. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn di tích lâu dài cũng như khai thác du lịch được tốt hơn…

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 6Hệ thống gỗ lim ở các cửa hầm nay đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử quý giá của người dân Quảng Trị nói riêng và của nước ta nói chung. Đây là công trình có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo không ngừng nghỉ để chiến đấu với quân thù của cha ông ta. Trong những năm tháng chiến tranh, Địa đạo Vịnh Mốc đã biến thành pháo đài vững chãi trong lòng đất, vừa là nơi sinh sống, chiến đấu của quân và nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa và lịch sử, vào năm 2014, di tích Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong cụm di tích "Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh" được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhieu cua ham o Dia dao Vinh Moc bi xuong cap va hu hai nghiem trong hinh anh 7Bên trong Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

Địa đạo Vịnh Mốc có hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm kích thước 0.9m x 1.75m, dài 2.034m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi. Đường hầm trong Địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870m. Những năm qua, trung bình mỗi năm Địa đạo Vịnh Mốc thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, chiêm ngưỡng "công trình có một không hai" này. Chỉ tính riêng trong dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, di tích đã đón trên 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.

Thanh Thủy

Tin liên quan

Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ trùng tu di tích Hải Vân Quan

Sau gần 5 tháng triển khai Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, nhiều hạng mục đã được nhà thầu thực hiện với khối lượng công việc tương đối lớn. Tuy nhiên, trong phạm vi thực hiện đang có một số vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều đơn vị khác nhau giữ tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng cần sớm được tháo gỡ để đảm bảo tiến độ của dự án này.


Nỗ lực hoàn thành trùng tu các hạng mục chính tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trước mùa mưa

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam Phan Hộ cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, Đoàn chuyên gia kỹ thuật thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo sát, Khảo cổ học Ấn Độ và các chuyên gia Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, nỗ lực hoàn thành việc trùng tu các hạng mục chính trước mùa mưa lũ năm nay.


Nhiều di tích tại Hội An xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm đầu tư nâng cấp

Thành phố Hội An (Quảng Nam) là địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đi vào những khu phố cổ nơi đây, du khách như tưởng mình đang sống ở thế kỷ XVII, XVIII bởi nét cổ kính, rêu phong nhuốm màu thời gian, từ những ngôi nhà, món ăn, dãy phố… Nhưng du khách đều rất tiếc nuối bởi sự xuống cấp, hư hỏng do thời gian, do ngoại lực lên các di tích nơi đây.


Khu di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu xuống cấp trầm trọng

Đã nhiều năm nay do không được chú trọng đầu tư tu bổ nên Di tích lịch sử quốc gia bến Âu Lâu bị xuống cấp trầm trọng. Bên tả ngạn sông Hồng, bến Âu Lâu thuộc địa bàn phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái (Yên Bái), ngoài phần tượng đài xây dựng cuối thập niên 90 còn nguyên vẹn, cả 2 đầu bến đều hoang hóa, bờ sông sạt lở, khu vực bến chỉ còn đoạn đường bê tông đi xuống nhưng đã hư hỏng nặng. Bên hữu ngạn thuộc thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã bỏ hoang từ lâu nên cả 2 bờ của bến Âu Lâu cỏ dại mọc um tùm.


Trùng tu các công trình tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế

Ngày 7/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận, Fulda, Đức (GEKE) phối hợp tổ chức bàn giao các công trình kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế.



Đề xuất