Nhiều công trình, hồ đập ở Thanh Hóa xuống cấp

Đập dâng Bai Bò, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) xây dựng cách đây 18 năm, đến nay đã hư hỏng nặng, thân đập bằng bê tông đã bị nứt, vỡ, lòng đập bị bồi lắng, có nguy cơ vỡ đập khi mưa bão về. Ảnh: Nguyễn Nam
Đập dâng Bai Bò, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) xây dựng cách đây 18 năm, đến nay đã hư hỏng nặng, thân đập bằng bê tông đã bị nứt, vỡ, lòng đập bị bồi lắng, có nguy cơ vỡ đập khi mưa bão về. Ảnh: Nguyễn Nam

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đang có 610 hồ chứa; trong đó, có 93 hồ đã xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ và không đảm bảo đủ nước cho bà con gieo cấy. Nguyên nhân, xảy ra tình trạng này là do các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập đang thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa.

Nhiều công trình, hồ đập ở Thanh Hóa xuống cấp ảnh 1Đập dâng Bai Bò, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) xây dựng cách đây 18 năm, đến nay đã hư hỏng nặng, thân đập bằng bê tông đã bị nứt, vỡ, lòng đập bị bồi lắng, có nguy cơ vỡ đập khi mưa bão về. Ảnh: Nguyễn Nam

Nằm tại vùng miền núi khó khăn, hồ chứa nước Ao Bai, thị trấn Yên Cát, huyện miền núi Như Xuân được xây dựng từ cách đây đã lâu, thân hồ đắp bằng đất đã xuất hiện nhiều đoạn bị nứt nẻ gây rò rỉ nước. Mái thượng lưu nhiều đoạn bị sạt trượt, tràn xả lũ hư hỏng nặng, nước thấm qua sàn, cống lấy nước xây tạm cũng bị rò rỉ và không có thiết bị tiêu nước, lớp gia cố mái bị hỏng. Điều này, đã làm nhiều người dân quanh khu vực thiếu nước tưới tiêu khi mùa nắng nóng, còn mùa mưa thì có nguy cơ mất an toàn khi nước trong hồ dâng cao.

Ông Lê Văn Cầu, thôn Xuân Thịnh, xã Yên Lễ cho biết, hồ Ao Bai hiện tại không cấp đủ nước cho người dân làm ruộng, nước trong hồ sâu tới 3 m nhưng do hồ bị nứt nên nước đã bị rò rỉ gần hết. Gia đình ông làm 4 sào ruộng nhưng do không có đủ nước nên đồng ruộng bị nứt nẻ.

Còn tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, con đập dâng Bai Bò được đầu tư xây dựng cách đây 18 năm phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 ha đồng ruộng, đến nay tình trạng hư hỏng ngày càng nặng, thân đập bằng bê tông đã bị nứt, vỡ, lòng đập qua thời gian dài đã bị bồi lắng, không đủ lượng nước chứa phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, khi mới xây nước trong đập Bai Bò sâu hơn 1m nhưng do quá trình bồi lắng đến nay chỉ còn sâu khoảng 30 cm, không đủ khả năng tưới tiêu. Vào mùa mưa bão, cống tràn có nguy cơ bị tắc cao, có nguy cơ vỡ đập, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Anh Lục Văn Thái, thôn Chiềng Cà, xã Thanh Quân cho hay, do quá trình sử dụng lâu năm ở dưới đáy đập đã sụt lún một số vị trí không thể khắc phục nên người dân rất khó khăn khi lấy nước tưới tiêu. Khi mùa mưa lũ về, người dân quanh vùng rất lo nước trên đập tràn vào nhà. Thời gian gần đây chính quyền cảnh báo đập có nguy cơ mất an toàn và xuống cấp do điều kiện tự nhiên thay đổi, mưa lũ kéo dài nên người dân rất lo lắng nếu nước lũ dâng lên.

Theo ông Vi Văn Cói, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, mùa khô do đập bị vùi lấp nên diện tích chứa được nước không còn đủ đáp ứng được. UBND xã đã huy động các nguồn lực để khắc phục những hư hỏng nhưng vẫn không đáp ứng được, cứ đến mùa mưa bão UBND xã phải chuẩn bị các phương án, huy động lực lượng để di dời bà con phòng tránh lũ.

Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, địa bàn huyện có 118 hồ, đập phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.300 ha đất nông nghiệp và hầu hết các hồ, đập chứa nước đều được xây dựng từ trước năm 2000. Chủ yếu là đập đất đắp, có hiện tượng xuống cấp, những con đập đất này hay xuất hiện các hiện tượng sụt lún, các hạng mục tràn xả lũ, cống lấy nước đa số xây tạm, không kiên cố.

Mặc dù nhiều công trình hồ, đập trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng do số lượng các công trình nhiều, kinh phí để đầu tư cho một công trình là lớn nên vẫn còn một số công trình chưa được tu sửa hoặc sửa chữa, chắp vá tạm thời.

Tại huyện miền núi Lang Chánh, công trình hồ Chiềng Khạt nằm trên địa phận xã Đồng Lương được xây dựng phục vụ tưới tiêu 40 ha đất nông nghiệp do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Lương khai thác và quản lý. Do đã xây dựng từ lâu và trải qua thời gian dài sử dụng, hồ Chiềng Khạt cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Đập chính bị sạt trượt phía hạ lưu, thấm thành dòng, thiết bị tiêu nước bị tắc, lớp gia cố thượng lưu bị hỏng, tràn xả lũ và cống lấy nước hỏng. Vì vậy, gần 240 hộ dân vùng hạ du luôn lo lắng khi mùa mưa về.

Ngoài ra, tại các huyện miền núi khác gồm: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Thạch Thành… cũng đang có nhiều hồ, đập xuống cấp trước mùa mưa bão 2021. 

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm