Nhiều công trình cấp nước ở vùng cao Thanh Hóa xuống cấp

Công trình cấp nước tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn,Thanh Hóa không còn sử dụng được nữa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Công trình cấp nước tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn,Thanh Hóa không còn sử dụng được nữa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Trên địa bàn khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện có 501 công trình cấp nước tự chảy tập trung có quy mô thôn bản; trong đó, có hơn 140 công trình đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Các công trình này do cán bộ thôn, bản trực tiếp quản lý theo chế độ kiêm nhiệm và chưa qua đào tạo quản lý, vận hành nên hay bị hư hỏng, trong khi nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng hầu như không có, điều này đã làm người dân luôn thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều công trình cấp nước ở vùng cao Thanh Hóa xuống cấp ảnh 1Nước sinh hoạt được lấy từ đầu nguồn trên núi dẫn về công trình cấp nước thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Chúng tôi có dịp về huyện biên giới Quan Sơn, đây là huyện thuộc diện Nghị quyết số 30/A/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân tộc thiểu số tại các thôn bản tiếp giáp với nước bạn Lào đang còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua được sự đầu tư của nhà nước, huyện đã được xây dựng 96 công trình cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do các công trình này đã xây dựng từ trước năm 2015 theo mô hình cấp nước về các bể tập trung nên đến nay đã có gần 30 công trình hư hỏng, thiếu nước. Vì vậy, để có nước sử dụng các hộ dân đã dùng đường ống, mó kéo nước từ các con suối về dùng, tuy nhiên khi mùa mưa về rất đục.

Tại thị trấn Sơn Lư, có hơn 1.562 hộ dân đang sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình nước; trong đó, có 400 hộ dân đang sử dụng nguồn nước đã qua xử lý của công trình cấp nước thị trấn Sơn Lư do Công ty TNHH quản lý dịch vụ công Quan Sơn quản lý với đường ống nước dài 5 km. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên công trình này bị xuống cấp trầm trọng, tường sập, nhiều vết nứt, sụt lún.

Bên cạnh đó, nguồn nước được lấy trên đầu nguồn chảy từ các khe đá, núi đồi xuống nên khi mùa mưa về làm chất lượng nước không hợp vệ sinh. Mặc dù đã được lọc, nguồn nước vẫn bị đục, do đó, chỉ có 400 hộ dân này đang sử dụng nước do công trình này cung cấp với trung bình mỗi tháng là 4.000 m3, số còn lại là sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước khác.

Anh Vi Văn Chon, khu phố 1, Thị trấn Sơn Lư cho biết: Tình trạng người dân thiếu nước sạch sinh hoạt đang diễn ra trong những năm qua, nguồn nước mà người dân đang dùng do công trình cấp nước thị trấn Sơn Lư cấp không phải nước qua xử lý mà lấy từ trên núi về, mỗi khi mưa lớn làm nước bị đục nên người dân không dùng được.

Nhiều công trình cấp nước ở vùng cao Thanh Hóa xuống cấp ảnh 2Công trình cấp nước tại xã Tam Lư, huyện Quan Sơn,Thanh Hóa không còn sử dụng được nữa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Khi mùa khô về, lại xảy ra tình trạng thiếu nước nên Công ty cấp nước phải cắt luân phiên 1-2 ngày mới có nước một lần làm địa bàn luôn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hoặc những lúc có nước thì không dùng được.

Theo ông Phạm Văn Lâm, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý dịch vụ công Quan Sơn, đơn vị đang cung cấp nước cho 400 hộ dân, do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên một số hộ đã không đăng kí sử dụng. Khi mùa mưa bão về đơn vị phải cho công nhân trực 24/24 giờ để xả nước đục đi, khi nước trong mới đưa vào cho các hộ dân sử dụng.

Tại xã Tam Lư, trước đây, xã được nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước thuộc chương trình 134,135 để cấp nước cho hơn 680 hộ dân trên địa bàn, tuy nhiên, một số công trình do xây dựng cách đây trên 10 năm nên đã xuống cấp, hư hỏng.

Trong khi đó, nguồn nước suối tự nhiên còn không đáp ứng nhu cầu sử dụng nên người dân phải lấy nước từ sông Lò lên dùng, do đó người dân và chính quyền nơi đây rất mong nhà nước đầu tư các công trình nước mới để phục vụ đời sống.

Anh Hà Văn Chiệc, bản Sại, xã Tam Lư cho biết: Theo chương trình 135 do nhà nước đầu tư 2 công trình nước tại bản Sại, trải qua hơn 10 năm sử dụng các công trình này đã bị hư hỏng, người dân phải lấy nước từ suối về dùng.

Trước kiến nghị của chính quyền và người dân về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án hệ thống cấp và xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư với số vốn gần 46 tỷ từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và nguồn vốn khác. Nhà máy này sẽ được xây dựng có công suất 2.000 m3/ngày đêm, thời gian thực hiện từ năm 2022-2024. Tuy nhiên, công suất của nhà máy chủ yếu chỉ đủ cấp nước cho người dân trên địa bàn thị trấn Sơn Lư, các xã còn lại không được thụ hưởng nguồn nước từ nhà máy nước sạch này.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định: Huyện Quan Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nước sạch, tuy nhiên, nhà máy này chỉ phục vụ được người dân trên địa bàn thị trấn, còn các xã như Sơn Hà, Tam Lư, Trung Thượng, Trung Tiến thì không có được nguồn nước do công suất không đảm bảo. Thời gian tới, huyện mong UBND tỉnh hỗ trợ, đầu tư xây dựng thêm các công trình nước sạch để người dân có nước sử dụng.

Ngoài ra, tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân cũng đang còn rất nhiều công trình nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi, việc quản lý các công trình nước không được thường xuyên, dẫn đến nguồn công trình bị hư hỏng, nguồn nước bị ô nhiểm.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, Sở kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình nước sạch cho các xã miền núi.

Đối với các xã vùng sâu, vùng xa không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, Sở cũng đề nghị tỉnh ưu tiên từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp và đầu tư xây dựng mới. Qua đó, giúp người dân có nước sạch sử dụng, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm