Nhiều cơ hội trải nghiệm tại Ngày hội Văn hóa huyện vùng cao Na Hang

Nhiều cơ hội trải nghiệm tại Ngày hội Văn hóa huyện vùng cao Na Hang
Trải nghiệm làn điệu Then của đồng bào Tày khi đến du lịch tại lòng hồ thủy điện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Trải nghiệm làn điệu Then của đồng bào Tày khi đến du lịch tại lòng hồ thủy điện Lâm Bình (Tuyên Quang)Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Trong hai ngày diễn ra Ngày hội, người dân và du khách sẽ được chứng kiến các tiết mục văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây như: Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính huyện Na Hang; trình diễn trang phục các dân tộc Na Hang; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa nông sản và các công cụ sản xuất, văn hóa dân tộc thiểu số đặc trưng của huyện Na Hang; biểu diễn mô tô nước, đua mảng ngóc tại thị trấn Na Hang; biểu diễn dù lượn, thi gói, luộc bánh dân tộc, thi cắt lúa nếp cum, thêu khăn, hái chè Shan tuyết, giới thiệu các gian hàng hóa đặc sản, ẩm thực đặc trưng của vùng tại xã Hồng Thái...

Hòn Cọc Vài - điểm nhấn trong tour du lịch lòng hồ thủy điện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Hòn Cọc Vài - điểm nhấn trong tour du lịch lòng hồ thủy điện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Đặc biệt, tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019, huyện Na Hang còn tổ chức khôi phục lại Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị để trình diễn phục vụ du khách; tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Khu du lịch Phiêng Bung, xã Năng Khả.

Phong cảnh nơi đây được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Phong cảnh nơi đây được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”.
Ảnh: Nam Sương – TTXVN 

Không những vậy, đến với Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Na Hang năm 2019, du khách còn được tham quan Hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích hơn 8.000 ha mặt nước, được ví như "Hạ Long trên cạn" giữa đại ngàn. Trong lòng hồ thủy điện có hàng chục “hòn đảo” lớn nhỏ, nhiều đồi núi trùng điệp. Ðỉnh núi cao nhất là Pắc Tạ gắn liền với truyền thuyết của người dân địa phương khuất phục voi rừng bằng rượu, dùng voi để đánh tan giặc xâm lăng. Khi voi chết bên nậm rượu đã hóa đá, mỗi ngày một cao dần lên tạo nên ngọn Pắc Tạ ngày nay. Cùng với đó, là cảnh sông nước núi non hùng vĩ, điểm nhấn là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là "cọc buộc trâu") hay những thác nước quanh hồ đẹp mê hồn lòng người như: thác Mơ, Khuổi Nhi, Khuổi Súng…, những cây nghiến cổ thụ hàng nghìn năm tuổi.
Du khách chèo thuyền kayak để khám phá lòng hồ. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Du khách chèo thuyền kayak để khám phá lòng hồ.
Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Mọi công tác chuẩn bị cho Ngày hội đã sẵn sàng, tất cả các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn trong huyện đều vào cuộc với tinh thần cao. Huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên với mong muốn tổ chức Ngày hội thật ấn tượng, có dấu ấn riêng, đưa Na Hang trở thành điểm đến ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.
Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm