Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên hiện đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành được vận hành, duy trì chất lượng tốt. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, ước tính toàn tỉnh tiết kiệm được khoảng 3,2 tỷ đồng tiền gửi - nhận văn bản so với cách gửi thông thường qua đường bưu điện.

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên ảnh 1 Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Bộ Thông tin và Truyền thông ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông. Ảnh: Quân Trang 

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương phối hợp với Tập đoàn Viettel đã triển khai hoàn thành hầu hết các hạng mục của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh gồm: nền tảng tích hợp, hiển thị thông tin điều hành (IOC), hệ thống phản ánh hiện trường với ứng dụng công dân Thái Nguyên (C-ThaiNguyen), nền tảng quản lý camera tập trung, hệ thống giám sát thông tin môi trường mạng, hệ thống cảnh báo cháy nhanh, phòng họp không giấy tờ...

Bước đầu, trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, hiện các cơ quan chuyên môn trong tỉnh đang phối hợp triển khai nền tảng trục tích hợp và xử lý dữ liệu tập trung, ưu tiên triển khai trước 4 lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý phương tiện giao thông, an ninh - trật tự. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thái Nguyên đã khẩn trương ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch bằng việc triển khai lắp đặt, kết nối, tích hợp hệ thống camera giám sát tại các khu vực giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, các trạm kiểm dịch kết nối với Hệ thống giám sát tập trung quốc gia với trên 200 camera, đồng thời đưa vào sử dụng bản đồ dịch tễ COVID-19 và trang thông tin điện tử về dịch trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ https://covid.thainguyen.gov.vn.

Đối với phát triển kinh tế số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện thí điểm giải pháp quản lý cây thông minh, xây dựng hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số, hoàn thành cơ bản các chức năng, cập nhật thông tin 315.000 cây... Ngành Công Thương tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh xăng dầu trực tuyến, hệ thống hỗ trợ thu hút đầu tư, quản lý cụm công nghiệp trực tuyến của tỉnh.

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số tại Thái Nguyên ảnh 2Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Quân Trang

Ngành Giao thông Vận tải tỉnh đang triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên nền tảng số như: Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện; phần mềm quản lý bến xe khách, phần mềm quản lý vận tải, hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình, phần mềm quản lý tuyến cố định, hệ thống quản lý giấy phép lái xe... Đồng thời, ngành tích cực phối hợp với Viettel Thái Nguyên để xây dựng dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh tỉnh, trong đó có hệ thống điều hành giao thông thông minh.

Trong triển khai các nội dung xây dựng xã hội số, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học, đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý tài chính, tài sản, phần mềm quản lý các hoạt động của nhà trường; tổ chức cấp tài khoản, tập huấn cho giáo viên, học sinh toàn tỉnh về nền tảng dạy học trực tuyến Microsoft Teams.

Ngành Y tế tỉnh xây dựng Đề án Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho 500.000 người dân, đạt 40% dân số; triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế xã, phường, thị trấn đến 178 trạm y tế xã, phường thị trấn, thực hiện kết nối liên thông vào phần mềm quản lý dược quốc gia đối với các nhà thuốc, quầy thuốc cấp mới...

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để thúc đẩy chương trình chuyển đổi số trên địa bàn, tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên; triển khai nền tảng Zalo tăng tương tác giữa chính quyền và người dân. Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc các sở, ngành chỉ đạo và chịu trách nhiệm đến hết năm 2025, bảo đảm trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm