Nhiều cách làm sáng tạo của phụ nữ vùng cao Lai Châu trong xây dựng nông thôn mới

Nhiều cách làm sáng tạo của phụ nữ vùng cao Lai Châu trong xây dựng nông thôn mới

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới địa phương.

Nhiều cách làm sáng tạo của phụ nữ vùng cao Lai Châu trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1Hội Phụ nữ bản Gia Khâu 1, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu (Lai Châu) thường xuyên nhổ cỏ, chăm sóc hoa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Những ngày đầu tháng 7, trên mỗi bản làng thuộc miền đất gió Than Uyên (Lai Châu), người dân ai nấy cũng phấn khởi trước sự thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân năm nay được mùa. Giữa cái nắng gay gắt của ngày hè, chị em trong bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên vẫn miệt mài với công việc nhổ cỏ, quét sạch đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan cho bản làng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Triệu Thị Pham, Hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nậm Sáng phấn khởi cho biết, toàn bản có hơn 70 hội viên phụ nữ với 100% là người dân tộc Dao. Hiện nay, phụ nữ trong bản rất có ý thức về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong phát triển kinh tế, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi, cây trồng tập trung đem lại hiệu quả kinh tế giá trị cao.

Nhiều cách làm sáng tạo của phụ nữ vùng cao Lai Châu trong xây dựng nông thôn mới ảnh 2Phụ nữ Lai Châu hưởng ứng tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Điển hình là gia đình chị Đặng Thị Pham, bản Nậm Sáng, xã Phúc Than nuôi 10 con trâu bò, 3 ao cá và một ha chè, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện, chị nuôi thêm dê. Nếu mang lại hiệu quả chị tiếp tục chăn nuôi dê. Sở dĩ chị Pham nuôi nhiều loại con như vậy bởi theo chị chăn nuôi nhiều loại con sẽ giảm thiểu mức độ rủi ro. Chị Pham chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Được sự vận động, giúp đỡ của cán bộ phụ nữ xã, bản, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Đến nay, cuộc sống gia đình chị ngày được cải thiện, con cái đi học đầy đủ.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ bản Nậm Sáng còn chú trọng vận động các chị em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Hàng tuần, các chị tập trung quét dọn đường giao thông nông thôn của bản và nhổ cỏ, trồng hoa ven đường. Từ đó, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Những con đường không chỉ sạch rác thải mà hai bên đường còn có những cây hoa với màu sắc rực rỡ, tạo cảnh quan mới cho bản. Bộ mặt nông thôn ở bản được cải thiện 80% so với trước đây.

Nhiều cách làm sáng tạo của phụ nữ vùng cao Lai Châu trong xây dựng nông thôn mới ảnh 3Từ nguồn vốn vay từ Hội Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, bà Nguyễn Thị Hướng ở bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu đầu tư nuôi hơn 20 con ngựa. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Gia đình chị Triệu Thị Phương, bản Nậm Sáng, xã Phúc Than nuôi 4 con trâu, bò. Trước đây, gia đình chị không có chuồng mà chỉ thả rông trên nương, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Được sự vận động của Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương, gia đình chị đã xây dựng chuồng trại cách xa nhà ở. Chị Phương cho biết, hàng ngày chị luôn quét dọn, vệ sinh chuồng trại nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và giữ môi trường thông thoáng để đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Cùng với việc dọn dẹp tại gia đình, chị còn cùng các chị em trong bản tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: thực hiện mô hình gạch sinh thái, quét rác, trồng hoa ven đường…

Gia đình chị Nùng Thị Phương, người dân tộc Thái ở bản Cang Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên phát triển mô hình chăn nuôi gia súc. Hiện, gia đình chị Phương nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê. Ngoài việc chăn nuôi gia súc, gia đình chị còn trồng 6 sào đỗ, lúa. Trừ chi phí mỗi năm chị Phương lãi từ 100 - 200 triệu đồng.

Theo chị Phương, trước đây, gia đình chị trồng lúa chỉ đủ ăn, không có dư giả, cuộc sống rất khó khăn. Từ hai năm nay, gia đình chị chuyển sang chăn nuôi và có thêm thu nhập nên cuộc sống gia đình được cải thiện. Chị Phương cho hay, việc chăn nuôi trâu, bò, ngựa không mất nhiều công chăm sóc và dịch bệnh. Trong khi đó, về thức ăn cho gia súc được chị tận dụng đất rộng, để trồng khoảng 20 ha cỏ voi và sau mỗi mùa gặt, chị đi thu rơm rạ của bà con để dự trữ thức ăn vào mùa đông nhằm giảm chi phí chăn nuôi.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Cang Cầm Thị Xuấn, các hội viên tích cực lao động sản xuất, giúp nhau ngày công lao động và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch… Mặt khác, hàng tháng, Hội còn chỉ đạo các chi hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tổ chức dọn dẹp đường làng ngõ xóm; khơi thông cống rãnh; thu gom, phân loại rác thải; làm gạch sinh thái tại bản Mạ, xây tường bao tại nhà văn hóa bản Muông với gần 1.700 viên gạch sinh thái.

Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng. Bà Lương Thị Tý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên cho biết, trên địa bàn huyện hiện có gần 14.000 hội viên phụ nữ. Nhiệm kỳ qua, Hội Phụ nữ Than Uyên đã có nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới như: đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; thành lập hơn 80 mô hình “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”; duy trì và nhân rộng trên 20 mô hình điển hình có giá trị kinh tế cao, giúp đỡ gần 3.500 phụ nữ nghèo, hơn 80 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp.

Cùng với đó, Hội còn giúp trên 2.100 tổ viên được vay vốn, với số tiền hơn 103 tỷ đồng; 940 lao động nữ nghèo được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng nghiệp, học nghề. Đến nay, toàn huyện có trên 50% lực lượng lao động là phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất, trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ Than Uyên còn vận động hội viên làm được hơn 30 nghìn viên gạch sinh thái; giúp đỡ hội viên, phụ nữ làm trên 1.830 nhà tiêu hợp vệ sinh, 526 bể nước lọc cát sinh học biosand; hiến hơn 85.600 m2 đất xây dựng đường giao thông và nhà văn hóa; vận động hơn 1.110 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu bán tự hoại, nhà tắm, đào 128 hố đựng rác. Từ đó, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Lai Châu hiện có 965 chi hội phụ nữ với hơn 70.00 hội viên. Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho hay, Hội Phụ nữ đã đóng góp to lớn vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những việc làm cụ thể, như: vận động hội viên, phụ nữ hiến đất làm đường giao thông nông thôn và góp gần 50.000 ngày công lao động; hỗ trợ các gia đình xây dựng gần 600 nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hơn 200 hố rác. Toàn tỉnh cũng thành lập trên 100 tổ thu gom rác thải; xây dựng trên 150 mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, duy trì vệ sinh thôn, bản và khu phố 1 lần/tuần… Nhờ những việc làm thiết thực, góp phần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của phụ nữ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày; làm đẹp cảnh quan các tuyến đường và bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về tầm quan trọng của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường giúp đỡ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm