Nhiệt độ tăng và nông nghiệp thâm canh làm sụt giảm số lượng côn trùng

Nhiệt độ tăng và nông nghiệp thâm canh làm sụt giảm số lượng côn trùng

Một thế giới ngày càng ấm lên và sự phát triển của nông nghiệp thâm canh (phương thức sản xuất tiên tiến nhằm tăng sản lượng nông sản) đang khiến số lượng côn trùng giảm mạnh gần 50% so với các khu vực ít bị ảnh hưởng vì nhiệt độ tăng và hoạt động canh tác công nghiệp. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu được công bố ngày 20/4 trên tạp chí Nature.

Nhiệt độ tăng và nông nghiệp thâm canh làm sụt giảm số lượng côn trùng ảnh 1Cánh rừng khô héo vì hạn hán tại Nieheim, miền Tây Đức ngày 25/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu đã tiến hành đo lường sự phong phú của côn trùng và số lượng loài ở các khu vực trên thế giới và so sánh với số lượng côn trùng ở những môi trường sống nguyên sơ hơn. Theo đó, các nhà nghiên cứu Anh đã thu thập thông tin về 18.000 loài từ bọ cánh cứng, bướm đến ong từ 750.000 điểm dữ liệu được ghi nhận từ năm 1992 đến 2012 tại 6.000 địa điểm. Kết quả cho thấy số lượng côn trùng ở những vùng bị ảnh hưởng do nhiệt độ tăng và nông nghiệp thâm canh đã sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu và môi trường sống bị thu hẹp không chỉ ảnh hưởng đến số lượng côn trùng mà còn khiến sự đa dạng của các loài giảm 27%.

Cũng theo nghiên cứu, ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi rừng nhiệt đới thành đất nông nghiệp khiến các khu vực trở nên khô nóng hơn do sự mất đi của các thảm thực vật cung cấp bóng râm và giữ lại độ ẩm trong không khí và đất. Nhiệt độ tăng thêm 1 hoặc 2 độ C khiến những vùng này càng trở nên nóng và khô hơn, vượt quá mức chịu đựng của một số loài côn trùng.

Tác giả chính của nghiên cứu Charlie Outhwaite, nhà nghiên cứu vĩ mô tại Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và môi trường của Đại học London (Anh), cho biết số lượng côn trùng sụt giảm mạnh nhất tập trung ở vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, dữ liệu từ các khu vực nhiệt đới, nơi giàu đa dạng sinh học nhất, lại không có nhiều. Điều này đồng nghĩa sự sut giảm số lượng côn trùng trên toàn cầu có thể tồi tệ hơn so với các số liệu của nghiên cứu.

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra một chiến lược có thể kéo dài sự sống của các loài côn trùng bị đe dọa. Theo đó, việc các khu vực giảm hoạt động nông nghiệp sử dụng hóa chất và hạn chế áp dụng phương pháp độc canh, theo đó đảm bảo duy trì ít nhất 75% môi trường sống tự nhiên xung quanh, sẽ khiến lượng côn trùng chỉ giảm 7%. Tuy nhiên, nếu mật độ của môi trường sống tự nhiên xung quanh giảm xuống dưới 25%, quần thể côn trùng sẽ giảm gần 67%. Giáo sư sinh thái học Jane Hill tại Đại học York cho rằng phát hiện này mang lại hy vọng để con người có thể thiết kế cảnh quan khu vực canh tác hợp lý, nơi đa dạng sinh học có thể phát triển mạnh.

Đây là báo cáo đầu tiên xem xét tác động tổng hợp của nhiệt độ tăng cao và hoạt động nông nghiệp thâm canh, bao gồm cả việc sử dụng rộng rãi thuốc diệt côn trùng. Cho đến nay, nông nghiệp thâm canh và mất môi trường sống là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng côn trùng. Trong khi đó, côn trùng chiếm khoảng 67% tổng số loài trên cạn và là nền tảng của các hệ sinh thái quan trọng kể từ khi xuất hiện cách đây gần 400 triệu năm. Chuột chũi, nhím, thú ăn kiến, thằn lằn, động vật lưỡng cư, hầu hết các loài dơi, nhiều loài chim và cá đều ăn côn trùng. Khoảng 75% trong số 115 loại cây lương thực hàng đầu trên toàn cầu phụ thuộc vào sự thụ phấn nhờ côn trùng, bao gồm ca cao, cà phê, hạnh nhân và anh đào. Một số côn trùng như bọ rùa, bọ ngựa, bọ cánh cứng, ong bắp cày và nhện đều đóng những vai trò quan trọng trong việc kiểm soát côn trùng gây hại, từ rệp và bọ chét đến sâu xám và sâu bướm. Côn trùng còn rất quan trọng khi tham gia quá trình phân hủy chất thải và chu trình dinh dưỡng.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm