Nhân rộng những cánh đồng lớn

Nhân rộng những cánh đồng lớn
Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang.
Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang lại đồng ruộng, xây dựng cánh đồng lớn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong tổng diện tích cánh đồng lớn đã hình thành ở các địa phương có tới 517 nghìn héc-ta trồng lúa, còn lại là diện tích một số cây trồng khác như ngô, mía, rau quả các loại... Chỉ riêng vụ đông xuân năm 2017 các tỉnh phía bắc đã áp dụng mô hình cánh đồng lớn đạt 41,6 nghìn héc-ta; vụ sản xuất hè thu, còn vụ mùa có 1.341 mô hình này với diện tích 56.983 héc-ta được triển khai thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn đã và đang chứng minh được hiệu quả, giúp bà con nông dân tăng sản lượng, thu nhập trên một đơn vị canh tác. Ở tỉnh Quảng Trị, mô hình được triển khai từ vụ đông xuân 2014-2015 với diện tích 310 héc-ta. Đến nay đã đạt 3.290 héc-ta, tăng hơn 10 lần so với năm 2015, và dự kiến năm 2018, diện tích liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn đạt bốn nghìn héc-ta. Với quy mô bình quân đạt từ 20 đến 50 héc-ta/cánh đồng, nên hầu hết diện tích đều cho năng suất cao hơn so với gieo cấy truyền thống từ 1,2 đến 1,5 lần. Nhờ vậy đã giúp người dân sản xuất lúa có lợi nhuận tăng hơn từ 15 đến 20% so với gieo cấy đại trà. Quy mô cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại Quảng Trị bình quân đạt từ 20 đến 50 ha/cánh đồng. Tiêu biểu là tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Tại Tiền Giang, nhiều doanh nghiệp tham gia ký kết xây dựng cánh đồng lớn về sản xuất lúa, giúp nông dân yên tâm đẩy mạnh thâm canh để đạt năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản cao. Qua ba vụ sản xuất trong năm 2017, Tiền Giang có 13 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở, đại lý thu mua lúa gạo đầu tư xây dựng 48 cánh đồng lớn tại các vùng trồng lúa trọng điểm của địa phương. Tổng diện tích được ký kết gần 4.400 ha. Kết thúc năm lương thực 2017, diện tích thu mua trong mô hình này đạt gần 3.800 ha, với sản lượng thu mua gần 22 nghìn tấn lúa hàng hóa… Thực tế cho thấy, hầu hết các mô hình cánh đồng lớn đều cho hiệu quả rõ rệt đối với nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tham gia liên kết. Không chỉ giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, mô hình còn tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, độ đồng đều cao, góp phần thúc đẩy, tạo tiền đề kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, số diện tích triển khai chỉ chiếm gần 4% so với tổng diện tích cây trồng. Số hộ nông dân, hợp tác xã tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều. Hiện mới có hơn 10% các hợp tác xã thực hiện tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân trên địa bàn. Tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng chỉ đạt bình quân gần 30%. Để đạt được hiệu quả cao hơn, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, trên cơ sở thực tế thời gian qua, cần đánh giá xác định lại hiệu quả của mô hình liên kết cánh đồng lớn sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của các vùng miền, địa phương, lĩnh vực sản xuất; xây dựng cánh đồng lớn gắn với tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp; gắn dồn điền đổi thửa, thiết kế lại đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhanh cơ giới hóa vào trong quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản, nhằm giảm chi phí sản xuất, tổn thất sau thu hoạch, góp phần tăng năng suất lao động và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm