Nhân rộng mô hình trồng táo an toàn trong nhà lưới ở Ninh Thuận

Nhân rộng mô hình trồng táo an toàn trong nhà lưới ở Ninh Thuận
Vườn táo bao lưới chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Vườn táo bao lưới chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Gia đình ông Võ Hiếu, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước trồng gần 2 sào táo xanh. Thời gian gần đây do thời tiết diễn biến thất thường khiến ruồi vàng, sâu đục quả, rệp sáp sinh sản rất nhiều, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể tiêu diệt triệt để. Để hạn chế thiệt hại, cuối năm 2018, ông Hiếu đầu tư gần 20 triệu đồng mua lưới bao phủ toàn bộ vườn táo. Ông Hiếu chia sẻ, ruồi vàng là loại côn trùng rất nguy hiểm cho cây táo, khi ruồi vàng chích vào quả, sinh trứng và nở ra ấu trùng sống bên trong khiến trái thối, rụng khiến sản lượng táo thu hoạch thấp, có lúc thu hoạch 1 tấn táo phải bỏ từ 3 đến 4 tạ vì trái bị hư. Sau khi bao lưới, tỷ lệ ruồi vàng đục quả giảm đi rất nhiều, tỷ lệ táo hư hại chỉ vài chục kilogam không đáng kể.
Mô hình bao lưới chống ruồi vàng, côn trùng xâm nhập vào vườn táo. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Mô hình bao lưới chống ruồi vàng, côn trùng xâm nhập vào vườn táo.
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Phương pháp bao lưới có nhiều ưu điểm như: che chắn không cho côn trùng, ruồi vàng xâm nhập đục quả, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật chống ruồi vàng. Màn lưới giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị rám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng quả. Do không lo ngại côn trùng xâm nhập hại táo nên thời gian để táo chín lâu hơn, chất lượng quả táo ngon hơn. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, tại những vườn táo bao lưới, tỷ lệ trái hư hại chỉ từ 5 – 10%, trong khi vườn không bao lưới tỷ lệ hư hại lên tới 30 – 40% sản lượng thu hoạch. Năng suất vườn táo bao lưới đạt từ 40 – 50 tấn/ha, cao hơn từ 1,25 – 2 lần so với vườn không bao lưới. Phương pháp bao lưới giúp giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 18 – 22 lần/vụ. Vườn táo bao lưới cho chất lượng quả đồng đều, mẫu mã đẹp nên thường có giá cao hơn 1,5 lần so với vườn không bao lưới. Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết, ban đầu chỉ vài hộ áp dụng bao lưới chống ruồi vàng, côn trùng hại táo. Với hiệu quả mang lại, đến nay phương pháp này được triển khai trên diện tích gần 55 ha táo, chiếm khoảng 5,3% tổng diện tích táo toàn tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương triển khai, nhân rộng mô hình bao lưới, tư vấn kỹ thuật lắp đặt, chăm sóc vườn táo để bảo vệ mùa màng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng táo.
Nông dân huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chăm sóc vườn táo bao lưới. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Nông dân huyện Ninh Phước, Ninh Thuận chăm sóc vườn táo bao lưới.
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Bao lưới ngăn ruồi vàng, côn trùng hại táo là cách làm mới, để đạt hiệu quả cao bà con nên tham khảo kỹ hướng dẫn các cách bao lưới, kỹ thuật chăm sóc vườn táo bao lưới. Về mặt kỹ thuật, các nhà vườn nên sử dụng loại lưới mùng trắng 15m, cạnh ô lưới khoảng 1,5 – 2mm. Đây là loại lưới chắn được côn trùng nhưng vẫn đảm bảo độ thông thoáng bên trong giàn; dựng trụ đỡ có chiều cao tính từ mặt đất lên khoảng 3 – 3,5 mét, đảm bảo mặt lưới phủ cách mặt giàn từ 0,5 – 0,7 mét để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây táo.  Thời điểm bao lưới từ sau cắt cành 1,5 tháng đến khi ra trái nhỏ (45 – 60 ngày sau khi cắt cành táo). Lưu ý, làm cửa ra vào vườn đảm bảo độ kín, vệ sinh dụng cụ lao động hạn chế tối đa sinh vật gây hại từ bên ngoài lây nhiễm vào vườn táo. Trước khi bao lưới, cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật trong vườn táo, ưu tiên dùng thuốc sinh học và đảm bảo nguyên tắc sử dụng thuốc “4 đúng” để ngăn chặn các sinh vật gây hại còn sót lại trong vườn táo. Khi thu hoạch xong cần dỡ lưới nhằm giúp việc cắt cành, vệ sinh vườn táo được thuận lợi. Táo là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Ninh Thuận. Tỉnh hiện có trên 1.020 ha táo được trồng chủ yếu tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Táo Ninh Thuận có đặc điểm khi chín vỏ táo ngả dần sang màu phớt vàng, ăn giòn, ngọt mát, có hương vị thơm nhẹ đặc trưng. Hiện nay, chi phí bao lưới từ 10 đến 20 triệu đồng/sào táo, thời gian sử dụng lưới có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm tùy theo chất lượng lưới. Ngoài bao lưới cho cây táo, các hộ sản xuất cũng có thể tham khảo bao lưới cho một số loại cây trồng, cây ăn quả khác để phòng ngừa các loại côn trùng xâm nhập, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm