Nhân rộng mô hình nuôi cua quảng canh cải tiến

Nhân rộng mô hình nuôi cua quảng canh cải tiến
Nuôi cua thương phẩm.Ảnh: danviet.vn
                Nuôi cua thương phẩm.Ảnh: danviet.vn
Ông Cô Văn Tâm, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cua An Khang cho biết, do địa phương bị nhiễm phèn, mặn nên những năm trước đây nhiều hộ dân sản xuất không hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao. Để giúp những hộ này cải thiện thu nhập theo hướng đa sinh kế trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, thông qua Tổ hợp tác, Quỹ CCA (một trong những Quỹ hỗ trợ của Dự án AMD) đã hỗ trợ chi phí cho nông dân địa phương thực hiện mô hình nuôi cua biển quảng canh cải tiến. Tổ hợp tác nuôi cua An Khang được thành lập năm 2017 với 10 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 4,6 ha; trong đó, có 7 hộ nghèo và cận nghèo. Tham gia mô hình, tổ hợp tác được hỗ trợ 54 triệu đồng để mua cua giống (5.000 con giống/hộ), thức ăn, vật tư cải tạo ao và công lao động; đồng thời được cán bộ dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật. Sau 4 tháng thả nuôi, cua đạt kích cỡ thương phẩm cho thu thoạch liên tục trong 6 tháng. Với giá bán ổn định như thời gian qua, bình quân các loại (cua xô) từ 140.000 - 170.000 đồng/kg, sau 10 tháng sản xuất, trừ tất cả chi phí, mô hình cho lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, nông dân còn có thêm thu nhập từ nguồn tôm cá tự nhiên từ 4 - 5 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, tất cả các hộ nghèo và cận nghèo tham gia mô hình đều thoát nghèo.  Theo ông Cô Văn Tâm, nuôi cua quảng canh cải tiến bớt công chăm sóc; thức ăn cho cua chủ yếu là thức ăn công nghiệp và cá tạp, hến, còng… Mô hình rất dễ thực hiện với những gia đình nghèo, có lao động nhàn rỗi, ít đất sản xuất. Nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy, cua biển sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ, mặn từ 5 - 30‰. Tại nơi thực hiện mô hình, nước có độ mặn khoảng 5 - 10‰, tuy nhiên nếu độ mặn tăng cao đột ngột như năm 2016 (lên đến 16 - 17‰) thì cua vẫn sinh trưởng bình thường. Cùng với đó, sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm, nhiệt độ tăng cao cũng ít ảnh hưởng đển cua, nếu các hộ nuôi duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1 - 1,5 m. Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, đây là mô hình mang tính bền vững, phù hợp trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, có thể nhân rộng ở những xã có diện tích rừng hoặc một số địa phương ở xã Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải). Hàng năm Trung tâm Khuyến nông đều cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật trực tiếp theo nhu cầu của người nuôi, tập trung chủ yếu vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Để sản xuất thành công, người nuôi cần lưu ý chọn cua giống chất lượng, kích cỡ đồng đều; mật độ nuôi phù hợp; đồng thời phải tạo nơi trú ẩn cho cua. Định kỳ từ 10 - 15 ngày thay nước cho ao nuôi. Tỉnh Trà Vinh có hơn 9.000 ha rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển. Nhiều năm qua, tỉnh chủ trương thực hiện việc giao khoán tất cả diện tích rừng phòng hộ ven biển, kể cả rừng mới trồng cho hộ dân nghèo, cận nghèo tại địa phương bảo vệ và khai thác khoanh nuôi các loài thủy sản để có nguồn thu nhập nâng cao đời sống. Tính đến nay, tỉnh đã giao khoán gần 5.460 ha rừng cho hộ cá thể, tập thể chăm sóc, bảo vệ, tạo thêm việc làm từ việc khoanh nuôi, khai thác thủy, hải sản dưới chân rừng. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, việc trồng rừng được xem là một trong những giải pháp tối ưu chống xói mòn, sạt lở ven biển hữu hiệu. Mô hình nuôi cua quảng canh cải tiến ít gặp rủi ro về dịch bệnh, cho thu nhập ổn định. Mô hình không chỉ phát triển kinh tế bền vững mà còn bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái. Dự án thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ năm 2014 - 2020 do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ, với mục đích nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng, từ đó xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi. Dự án được thực hiện trên địa bàn 30 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 521 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay của IFAD hơn 233,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 126,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 79,5 tỷ đồng và số còn lại do người hưởng lợi đối ứng. Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết, sau 5 năm triển khai, dự án đã lồng ghép cùng nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới xây dựng được 114 công trình quy mô nhỏ tại 30 xã mục tiêu của dự án, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 100 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua 500 tổ hợp tác và gần 200 hộ cá thể, dự án đã giải ngân khoảng 130 tỷ đồng hỗ trợ 25.000 hộ ở vùng nông thôn giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình hiệu quả đã được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm