Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở Tiền Giang

Làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện đầu nguồn vùng lũ Cái Bè. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện đầu nguồn vùng lũ Cái Bè. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân tỉnh Tiền Giang đã xuống giống được 48.350 ha, đạt gần 94% kế hoạch; trong đó, các huyện phía Tây xuống giống được 26.072 ha và các huyện phía Đông xuống giống được 22.278 ha. Trà lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng.

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở Tiền Giang ảnh 1 Làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện đầu nguồn vùng lũ Cái Bè. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đang chỉ đạo các huyện, thành, thị xã lưu ý nông dân chuyển trọng tâm sang chăm bón, thâm canh đồng bộ để giành một vụ sản xuất bội thu. Đồng thời, triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống. Tỉnh phấn đấu các huyện phía Đông đạt năng suất thu hoạch bình quân cả vụ 64 tạ/ ha và các huyện phía Tây đạt năng suất thu hoạch bình quân cả vụ 74,8 tạ/ha.

Cụ thể, đối với các huyện, thị duyên hải phía Đông tỉnh tiếp tục thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; trong đó đảm bảo thu hoạch vụ Đông Xuân 2020 – 2021 phải dứt điểm trước tháng 3/2021 tới.

Đồng thời, các địa phương bảo đảm vận hành đồng bộ và hiệu quả các công trình cống đập trong dự án ngọt hóa Gò Công nhằm ngăn mặn triệt để bảo vệ sản xuất kết hợp tích cực lấy nước trữ trong nội đồng phục vụ tưới tiêu, phòng chống hạn hán khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn vào cao điểm.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang kịp thời cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn, xâm nhập mặn và lịch vận hành các cống lấy nước, ngăn mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và triển khai các biện pháp bảo đảm tưới tiêu phù hợp, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Đối với các huyện, thị phía Tây tập trung làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu; chú trọng khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp theo IPM, 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hạt gạo hàng hóa tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ quy trình thâm canh nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất vừa bảo vệ môi trường nông thôn. Các địa phương cũng nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo hàng hóa tại các vùng sản xuất trọng điểm.

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở Tiền Giang ảnh 2Vận hành máy gieo mạ khay tại Trại thực nghiệm và dịch vụ nông nghiệp lúa Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo đảm sản xuất thắng lợi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, sớm phát hiện và xử lý những trường hợp sâu bệnh mới phát sinh trên trà lúa Đông Xuân nhằm dập tắt ngay, không để lây lan ra diện rộng làm thiệt hại lớn cho sản xuất.

Ngoài ra, trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Tiền Giang tiếp tục triển khai các Dự án xây dựng “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoàn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025” cũng như mở rộng hình thức liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị giúp bảo đảm đầu vào, đầu ra nông sản hàng hóa.

Từ đó, nông dân an tâm thâm canh để giành những vụ sản xuất thắng lợi và tạo tiền đề để nông nghiệp, nông thôn phát triển một cách bền vững.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm