Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Phụ nữ khởi nghiệp với những sản phẩm “sinh ra từ làng”

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Phụ nữ khởi nghiệp với những sản phẩm “sinh ra từ làng”
Chị Phan Thị Thúy Lan (sinh năm 1992) ở xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đã khởi nghiệp với dòng sản phẩm khô cá tra phi-lê. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Chị Phan Thị Thúy Lan (sinh năm 1992) ở xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đã khởi nghiệp với dòng sản phẩm khô cá tra phi-lê. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
* Làm giàu từ cá tra Sinh ra trong gia đình gắn bó với nghề nuôi cá tra nhiều năm, trước những biến động đối với mặt hàng này, chị Phan Thị Thúy Lan, (sinh năm 1992, ở xã Định An, huyện Lấp Vò) đã chọn khởi nghiệp với dòng sản phẩm khô cá tra phi-lê. Chị Lan cho biết, năm 2015, cá tra rớt giá, nhiều hộ phải "treo" ao vì thua lỗ nặng, gia đình chị cũng một phen lao đao. Ngay thời điểm khó khăn đó, chị nghĩ đến việc tận dụng nguồn cá sẵn có để làm nên sản phẩm có giá trị hơn. Từ đó, ý tưởng khô cá tra ra đời. Nghĩ là làm. Song, thay vì sản xuất ra mặt hàng khô truyền thống, chị Lan đã bắt tay vào việc tập trung phát triển khô cá tra phi-lê. Chị cho biết, loại khô truyền thống là khô nguyên con, có da và độ mặn nhất định nên chỉ đáp ứng một bộ phận khách hàng. Phương án cá tra phi-lê sẽ giúp đa dạng hóa đối tượng người dùng như người già, trẻ em,…Để làm khô phi-lê, cá tra phải được lựa chọn từ 800 gram trở lên để đảm bảo độ dày và độ dai, đặc biệt, nguồn nguyên liệu phải còn tươi. Cá sau khi làm sạch được thái bỏ hết phần xương, da và mỡ; khó nhất là phần thịt khi thái không cho lượng mỡ bám vào để đảm bảo chất lượng. Tiếp theo, cá được ướp thêm gia vị như tiêu, ớt, muối với liều lượng thích hợp, sau đó mang đi phơi. Kể lại hành trình khởi nghiệp, chị Lan cho biết, thời gian đầu chẳng mấy dễ dàng khi thiếu kinh nghiệm, nhất là công đoạn phi-lê và công thức ướp gia vị. "Có chí thì nên", sau nhiều lần thất bại, sản phẩm khô cá tra của chị Lan từng bước hoàn thiện, chinh phục được nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh... Để đầu tư cho sản phẩm, chị Lan mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư thêm tủ đông, máy hút chân không và thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, cơ sở đã hoàn chỉnh các khâu đăng ký nhãn hiệu, bao bì, đóng gói để tiến tới giới thiệu đưa sản phẩm vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hiện, mỗi năm cơ sở của chị cung cấp khoảng 3,6 tấn khô cá tra cho thị trường, với giá 300 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, tổng lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh khô cá tra của cơ sở là trên 100 triệu đồng.
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ cơ sở sản xuất sữa sen Diễm Thúy 2 ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp tìm tòi nghiên cứu tạo ra sản phẩm sữa sen bột. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ cơ sở sản xuất sữa sen Diễm Thúy 2 ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp tìm tòi nghiên cứu tạo ra sản phẩm sữa sen bột. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
* Khởi nghiệp từ hạt sen Tháp Mười Xuất phát từ hai bàn tay trắng, chị Hồ Thị Diễm Thúy (sinh năm 1978, ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) bắt đầu khởi nghiệp từ cây sen ở tuổi 38, sau nhiều năm lăn lộn với nghề thợ hồ. Sinh ra, lớn lên ở Tháp Mười - nơi có những cánh đồng sen mênh mông, nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, chị Diễm Thúy nảy ra ý tưởng nấu sữa hạt sen làm kế sinh nhai. Vượt qua muôn vàn khó khăn trong giai đoạn đầu lập nghiệp như vốn, kinh nghiệm, máy móc,… giờ đây, chị Thúy đã làm chủ được công thức nấu sữa sen cho riêng mình, hơn hết là bí quyết để nấu sữa sen không sánh, bị khét, quan trọng là sản phẩm vẫn đảm bảo vị đậm đà của hạt sen Tháp Mười. Chị Thúy chia sẻ, chất lượng sản phẩm nằm ở cái tâm với nghề, chú trọng trong từng khâu sản xuất từ cách lựa chọn nguyên liệu đầu vào, xử lý sơ chế hạt sen, phối trộn nguyên liệu. Đối với chị, đảm bảo lợi nhuận kinh tế trong thời buổi luôn phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại là tất yếu, nhưng người sản xuất phải đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm ngon và sạch, mới có thể tồn tại lâu dài và vươn xa. Chị Thúy cho biết, sản phẩm sữa sen tại cơ sở hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, có hạn sử dụng chỉ khoảng nửa tháng. Chính điều này đã làm chị gặp nhiều khó khăn việc mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là các khu vực ở xa. Vì vậy, chị Diễm Thúy đã tìm tòi nghiên cứu tạo ra sản phẩm sữa sen bột với hạn sử dụng dài hơn, thuận lợi trong khâu pha chế, làm quà biếu. Đặc biệt hơn là sữa sen bột vẫn giữ được hương vị giống như sữa sen tươi. Đến nay, sản phẩm sữa sen của chị Thúy có mặt trên thị trường các tỉnh miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh… Dòng sản phẩm sữa sen bột đã xuất hiện ở Hà Nội và trong các giỏ quà đặc sản vùng miền.  Từ nồi nấu sữa chỉ vài chục lít ban đầu, giờ đây, được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 đã đầu tư máy nấu sữa dung tích 1.000 lít. Ngoài ra, chị còn là đầu tư máy nghiền, máy sấy, máy ép để từng bước hoàn thiện sản phẩm sữa bột sen. Thời gian tới, chị Thúy sẽ nghiên cứu và ra mắt thêm các dòng sản phẩm sen mới, lạ, như: sữa sen vị cà phê, bột củ sen,… từ đó, đa dạng hóa sản phẩm và phục vụ thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ thu nhập thấp, công việc bấp bênh của nghề thợ hồ nặng nhọc, giờ đây, sản phẩm "Sữa sen Diễm Thúy 2" đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định khoảng 250 triệu đồng/năm, giúp chị nuôi hai con tiếp tục đến trường, đồng thời góp phần tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng nông sản này. Năm 2017, chị Thúy đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong phong trào thi đua phụ nữ "Sáng tạo - Khởi nghiệp - thi đua dân vận khéo".* Vượt lên chính mình để khởi nghiệp Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, phong trào khởi nghiệp giúp nhiều phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về kinh doanh, biết thích ứng với quy luật kinh tế thị trường, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã khai trương thành lập Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; thành lập Hội Nữ Doanh nghiệp Đồng Tháp. Thời gian tới, Hội sẽ thành lập một trang web riêng để giới thiệu về phong trào phụ nữ khởi nghiệp; có kế hoạch xúc tiến việc thành lập Nhóm chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh. Song, để khởi nghiệp thành công, yếu tố quyết định chính là mỗi phụ nữ cần bước qua những rào cản định kiến cố hữu từ gia đình, xã hội, để sẵn sàng đối diện khó khăn; vượt qua được rào cản trong suy nghĩ, tự tin, bản lĩnh, vượt lên chính mình để khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ, điều đáng mừng là nhiều hội viên phụ nữ đã thể hiện tinh thần quyết tâm khởi sự, lập nghiệp, biết khai thác, phát huy thế mạnh từ nguồn tài nguyên bản địa tạo nên giá trị độc đáo trong từng sản phẩm, thể hiện tình yêu quê hương góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Tỉnh hội sẽ luôn đồng hành cùng các chị; tổ chức nhiều hoạt động để giúp các chị em được tiếp cận với các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nhằm giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp chị em nhận diện những khó khăn, thách thức nhằm chuẩn bị tốt hành trang và tâm thế khởi nghiệp.
Chương Đài

Có thể bạn quan tâm