Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nữ nghệ nhân với tâm huyết xây dựng bộ chữ tiếng Raglai

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nữ nghệ nhân với tâm huyết xây dựng bộ chữ tiếng Raglai
Ở tuổi 72, bà  Phanh vẫn miệt mài nghiên cứu, ghi chép cách phát âm, cách viết bằng cách sử dụng hệ thống mẫu tự La-tinh để phiên âm, ký âm tiếng nói dân tộc Raglai một cách khoa học, tạo thuận lợi cho người học. Xây dựng các chủ đề học tập, phục vụ cho công tác xuất bản sách song ngữ Raglai – Việt.
Nghệ nhân ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh, người có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Nghệ nhân ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh, người có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Bà Phanh chia sẻ, năm 1960, lúc đó 12 tuổi, cán bộ hoạt động cách mạng ở địa phương đã liên hệ cho ra Hà Nội học hệ 10 năm tại Trường Dân tộc Trung ương (ở Mễ Trì). Đầu năm 1969, trong lần sơ tán lên Lạng Sơn, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ dịch bản tin tiếng Raglai nói về tình cảm của học sinh dân tộc thiểu số miền Nam học tập tại miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa (niên khóa 1970 - 1976) của Trường Đại học Y khoa Miền núi tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), đến năm 1977, bà Phanh trở về Ninh Thuận công tác trong ngành Y tế và đảm nhiệm các chức vụ trong chính quyền. Với trình độ, sự am hiểu văn hóa, năm 1993, bà Phanh được Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Thuận mời làm cộng tác viên biên dịch bản tin tiếng Việt – tiếng Raglai.

Bà Phanh cho hay: “Trải qua thời gian làm việc tôi nhận thấy tiếng nói và chữ viết chính là hồn cốt của mỗi tộc người. Dân tộc khác họ cũng nói như người Raglai nhưng họ có chữ viết riêng, những chữ đó cũng sử dụng mẫu tự La – tinh để tạo nên. Nhìn lại người Raglai chưa có chữ viết riêng, trong khi nền văn hóa dân gian lưu truyền bằng trí nhớ đang mai một dần nên tôi quyết định dùng các mẫu tự La – tinh để ký hiệu các từ, tiếng nói của dân tộc Raglai”.

Để người học dễ dàng và nhanh chóng học được tiếng Raglai do đó chữ viết Raglai được xây dựng gần gũi với chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên cái khó nhất là việc thể hiện tiếng Raglai phải luôn giữ được những nét đặc trưng của âm vị học. "Trong khi đó, phương ngữ người Raglai ở các vùng lại khác nhau. Phát âm và dùng mẫu tự ghi lại một cách khoa học là công việc tốn nhiều thời gian nên tôi vừa tham khảo sách chuyên khảo về ngôn ngữ, từ điển rồi tự nghiên cứu, những từ nào không rõ thì hỏi các bậc cao niên, trí thức, người dân để hoàn thành bộ tài liệu tự học tiếng Raglai", bà Phanh chia sẻ.

Vào năm 2017, khi được UBND tỉnh Ninh Thuận mời tham gia biên soạn bộ chữ viết Raglai để dạy cho công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Phanh tích cực tham gia cùng các nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học biên soạn, chỉnh sửa thống nhất bộ chữ, vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm Raglai để thiết kế bộ tài liệu giảng dạy hoàn chỉnh “Tài liệu tiếng Raglai” với 10 chủ đề gồm 38 bài học bằng song ngữ Raglai - Việt dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tài liệu giảng dạy tiếng Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Tài liệu giảng dạy tiếng Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Nội dung dạy học tiếng dân tộc Raglai bao gồm các kiến thức về ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, làm văn, luyện nghe, luyện nói. Nội dung bài học theo các chủ đề: Gia đình - dòng tộc; làng xã; thiên nhiên - môi trường; văn hóa dân tộc; đất nước - con người; Đảng và Bác Hồ; lao động - sản xuất; khoa học - giáo dục; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ Tổ quốc.

Sau thời gian hiệu chỉnh, tháng 10/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức phê chuẩn “Bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận”; đồng thời triển khai kế hoạch ứng dụng bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglai trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Raglai.

Nói về ý nghĩa của bộ chữ viết, ông Trần Văn Toàn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bác Ái cho biết: Bà Mẫu Thị Bích Phanh là người có đóng góp rất lớn đối với việc xây dựng bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglai. Dưới góc độ văn hóa, một dân tộc có ngôn ngữ, có chữ viết riêng là một dân tộc phát triển bền vững. Từ chữ viết sẽ truyền tải suy nghĩ, tiếng nói, nền văn hóa dân gian lưu truyền bằng trí nhớ sẽ được thể hiện bằng chữ viết để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bộ chữ viết giúp các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa tiếp cận với nền văn hóa dân tộc Raglai được thuận lợi hơn.

Hiện nay, bên cạnh công việc tham gia nhóm biên soạn tài liệu tiếng Raglai để giảng dạy trong các trường phổ thông, bà Phanh tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các câu chuyện sử thi, âm nhạc, tục ngữ, lời hát ru để biên soạn thành sách tài liệu. Với những đóng góp trong lĩnh vực ngôn ngữ, bà Phanh đã được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác biên soạn tài liệu tiếng dân tộc Raglai năm 2018. Năm 2019, bà Mẫu Thị Bích Phanh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ trên lĩnh vực tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Raglai./.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm