Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo vùng cao Lê Thị Hạnh tận tụy, tâm huyết với nghề

Cô Lê Thị Hạnh bồi dưỡng, mở rộng kiến thức cho các em học sinh tham dự học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Cô Lê Thị Hạnh bồi dưỡng, mở rộng kiến thức cho các em học sinh tham dự học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Gần 20 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở các điểm trường lẻ, cô giáo Lê Thị Hạnh (sinh năm 1978), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Na Loi, huyện miền núi cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, luôn tràn đầy nhiệt huyết, tận tụy với công việc "trồng người". Tình yêu nghề, lòng kính trọng, sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh và bà con dân bản chính là động lực để cô Hạnh vượt qua mọi khó khăn vất vả, mang kiến thức đến cho học sinh vùng cao.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo vùng cao Lê Thị Hạnh tận tụy, tâm huyết với nghề ảnh 1Giờ lên lớp của cô Lê Thị Hạnh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hưng Nguyên, ngay từ khi còn nhỏ, Lê Thị Hạnh đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để đưa cái chữ đến với các em nhỏ. Ước mơ trở thành hiện thực khi cô thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Vinh, Khoa Giáo dục Chính trị. Năm 2002, tốt nghiệp ra trường, cứ ngỡ chỉ “trải nghiệm” ít năm nhưng mảnh đất khó khăn này như cái “duyên” khiến cô gắn bó đến gần 20 năm nay.

Tuổi nghề còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đứng lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, nhận thức của đồng bào cũng như học sinh chưa cao không khiến cô nản lòng. Bằng tấm lòng yêu nghề, ham học hỏi, cô đã từng bước khắc phục mọi khó khăn, bám trường, bám lớp.

Trải qua công tác tại nhiều điểm trường, hầu hết học sinh của điểm trường nào cũng chủ yếu là người Mông, Thái, Khơ Mú, vốn tiếng Việt hạn chế, ít được giao tiếp với bên ngoài nên còn nhiều rụt rè, nhút nhát, đa số các em thuộc gia đình hộ nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả dụng cụ học tập. Học sinh nơi đây còn chưa được sự quan tâm của gia đình, chưa có thời gian đầu tư cho việc học, nên bản thân vừa là giáo viên chủ nhiệm, cô Hạnh lại vừa như người cha, người mẹ khi các em đau ốm. “Là trường bán trú, có nhiều đêm học sinh đau ốm phải nằm ở trạm y tế, tôi cũng phải ở cùng chăm sóc, theo dõi thâu đêm, cho các em ăn, vì bố mẹ các em đều ở bản xa, đường sá đi lại khó khăn, không đến kịp hoặc không liên lạc được”, cô Lê Thị Hạnh tâm sự.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo vùng cao Lê Thị Hạnh tận tụy, tâm huyết với nghề ảnh 2 Cô Lê Thị Hạnh bồi dưỡng, mở rộng kiến thức cho các em học sinh tham dự học sinh giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Địa bàn dân cư không tập trung, nhiều học sinh ở các bản lẻ cách trường học đến 20km. Trong 19 năm công tác, năm học nào cô giáo Lê Thị Hạnh cũng trực tiếp đi các bản để vận động học sinh đến trường, nhất là vào đầu năm học, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán hay trong năm học, một số em có ý định bỏ học giữa chừng vì ngại đường xa, gia đình khó khăn. Với những em học sinh đó, cô luôn ân cần chỉ bảo, coi như những đứa con của mình. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày, cô còn cùng với các thầy, cô giáo vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các em.

Hy sinh cho học trò, cô Hạnh phải gác nỗi niềm riêng. Sinh con được 3 tháng, cô đã phải nén lòng cai sữa rồi gửi lại con thơ cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, dạy dỗ, để quay về với lớp, với các học trò nhỏ thân thương. Chồng cô cũng là chiến sĩ biên phòng, làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới xa xôi. “Nhiều lúc nhớ con, nhớ chồng da diết, cồn cào, nhưng nỗi nhớ ấy tôi phải giấu kín trong lòng. Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên mỗi năm học tôi chỉ có thể về quê thăm con được vào dịp Tết và hè”, cô Hạnh xúc động nói.

Xa chồng con, bao nhiêu tâm huyết, tình yêu thương cô Hạnh lại dành cho học trò. Cô luôn tìm tìm tòi, đổi mới sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc bài. Bên cạnh đó, cô còn phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, tổ chức hoạt động học tập theo nhóm, đưa ra những câu hỏi gợi mở, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học trò để kịp thời uốn nắn và chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế cho các em. Ngoài dạy học, cô còn dạy các em giữ gìn vệ sinh chung, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, dạy các em cách ăn mặc gọn gàng, cắt móng tay, gội đầu cho các em... Chính sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt ấy nên tình cảm cô trò ngày càng thêm gắn bó.

Với địa bàn miền núi như Kỳ Sơn, mỗi mùa mưa lũ đến, nhiều bản của Na Loi bị cô lập trong nước lũ, giáo viên không đủ lương thực, thực phẩm để sinh sống, phải ăn mì tôm qua ngày. Khó khăn là vậy, nhưng nghĩ đến tương lai của học sinh, của bà con dân bản, nên chưa bao giờ cô giáo Lê Thị Hạnh nghĩ đến việc bỏ lại học sinh để về xuôi công tác, mặc dù có nhiều cơ hội đến với mình. Yêu thương, gần gũi với học sinh, mỗi khi thôn, bản có việc, cô lại cùng các giáo viên trong trường nhiệt tình phụ giúp. Nhờ vậy, cô và các giáo viên của trường luôn được người dân trong bản tin yêu và xem như người con của bản làng.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo vùng cao Lê Thị Hạnh tận tụy, tâm huyết với nghề ảnh 3Cô Hạnh chuẩn bị giáo án. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Gần 20 năm công tác ở xã biên giới miền núi cao thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, cô Hạnh đã có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục. Với tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, cô Hạnh đã có nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh dân tộc ít người, trong đó có trên 10 bản sáng kiến cấp cơ sở, áp dụng có hiệu quả vào công tác dạy học tại trường và các trường bạn trong huyện.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầy khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để đảm bảo việc dạy học cho các em, cô Hạnh luôn trăn trở làm đề cương phù hợp tình hình thực tế, đến tận từng nhà giao bài cho học sinh tại 8 điểm bản. Sau mỗi giờ lên lớp ở điểm trường chính, không quản ngại đường sá xa xôi, cô Hạnh đã đến dạy trực tiếp cho học sinh tại các điểm bản trên, trong đó có bản cách xa trường học hơn 20km đường rừng đi lại vất vả, nhưng với phương châm “nghỉ dịch, không nghỉ học”, cô Hạnh đã tận tình giúp các em không bị hổng kiến thức. Vừa đến bản dạy học, cô vừa kiêm luôn công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện 5K trong phòng, chống dịch cho bà con dân bản.

Không chỉ tâm huyết với công tác giảng dạy, cô còn thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, trau dồi kiến thức, chủ động lắng nghe những góp ý của đồng nghiệp thông qua các tiết học dự giờ. Nhận xét về cô Lê Thị Hạnh, thầy Nguyễn Công Hùng, giáo viên nhà trường cho biết: “Cô Hạnh là một giáo viên yêu nghề, luôn tận tâm, sát sao với học sinh, yêu thương học sinh. Cô không chỉ như là cô giáo mà còn như một người mẹ hiền dạy dỗ các em từ lời ăn, tiếng nói, cách chào hỏi. Đối với đồng nghiệp, cô luôn niềm nở, hòa nhã, chia sẻ những sáng kiến, cách dạy hay để cùng nhau đưa công tác giáo dục ngày một đi lên”.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo vùng cao Lê Thị Hạnh tận tụy, tâm huyết với nghề ảnh 4Cô Hạnh tham gia tập huấn chuyên đề, sinh hoạt cụm chuyên môn để trao đổi, giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giảng dạy cho các đồng nghiệp. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Giáo dục Công dân là một môn giáo dục về ý thức đạo đức, kiến thức pháp luật, kỹ năng cho học sinh trong học tập cũng như trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày. Tâm huyết với chuyên môn của mình, từ năm học 2020 đến nay, năm học nào cô Hạnh cũng có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện đạt giải cao. Bản thân cô Lê Thị Hạnh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen, đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Sắp tới đây, cô giáo Lê Thị Hạnh là một trong hai nhà giáo của tỉnh Nghệ An được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm học 2020 – 2021.

Thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Na Loi nhận xét: Trong giảng dạy, cô Hạnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là giáo viên giỏi của tỉnh, giáo viên chủ nhiệm giỏi của trường, nhất là việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số đều đạt 100%, thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng học sinh, xây dựng điểm trường xanh - sạch - đẹp. Với nhiệm vụ là cốt cán chuyên môn Giáo dục công dân, cô Hạnh thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn cho đồng nghiệp, giúp đỡ hỗ trợ giáo viên gặp vướng mắc trong lĩnh vực chuyên môn.

“Ghi nhận lớn nhất ở cô giáo Lê Thị Hạnh là sự tận tâm, tận tụy với con em đồng bào các dân tộc nơi vùng khó. Công lao, đóng góp của cô giáo Lê Thị Hạnh từ miền xuôi lên miền khó công tác ở vùng đất Na Loi là điều rất đáng quý. Từ tấm gương của cô Hạnh, chúng tôi sẽ lan tỏa hơn nữa trong toàn ngành để các giáo viên khác cùng học hỏi và làm theo”, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết.

Những lúc nhớ con, nhớ chồng, cô lại muốn buông xuôi tất cả, thế nhưng những ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ và nghĩ tới tương lai của các em, cô lại chẳng đành lòng. Cứ thế, gần 20 năm cắm bản, với tâm niệm nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, cô Hạnh luôn hình thành cho mình đức tính tự học, tự sáng tạo, tận tụy với nghề, trở thành tấm gương sáng trong công tác dạy và học nơi vùng cao biên giới.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm