Nhân giống sạch bệnh và kiểm soát nguồn lây khảm lá sắn

Nhân giống sạch bệnh và kiểm soát nguồn lây khảm lá sắn

Bệnh khảm lá sắn lần đầu tiên xuất hiện và gây hại tại tỉnh Tây Ninh và đến nay, loại bệnh này đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện loại bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại các địa phương trồng sắn. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nguồn bệnh lây lan chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng. Do vậy, việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống kháng bệnh là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Nhân giống sạch bệnh và kiểm soát nguồn lây khảm lá sắn ảnh 1 Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sẽ không thể cho củ hoặc củ nhỏ, chất lượng thấp nên cần phải nhổ bỏ. Ảnh: TTXVN

Hiện diện tích trồng sắn cả nước là 513.200 ha. Các giống được trồng phổ biến hiện nay là KM94, KM 419, KM 140, KM 505, HLS-11 và các giống địa phương. Cả nước đang có gần 48.300 ha sắn bị bệnh khảm lá sắn, tăng 3.340 ha với tuần trước, tăng 1.279 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng suất sắn ở những diện tích mới bị nhiễm bệnh thường chỉ giảm nhẹ nhưng nếu dùng giống đã bị nhiễm bệnh tiếp tục trồng vụ sau năng suất sẽ giảm mạnh, thậm chí không cho thu hoạch. Ông Nghiêm Minh Tiến – Phó chủ tịch Hiệp Hội Sắn Việt Nam đánh giá, vụ sắn vừa qua bệnh khảm lá lan rất rộng, làm năng suất sắn giảm mạnh. Đánh giá sơ bộ, bệnh đã tác động từ 25-30% diện tích sắn cả nước, thậm chí có địa phương có diện tích sắn bị tới 50% bệnh này. Bệnh này tác động mạnh đến năng suất và sản lượng sắn.

Cũng chính vì bệnh này mà khi các nhà máy có nhu cầu lớn về nguyên liệu đã có tình trạng tranh mua tranh bán, đẩy giá sắn lên, thoát ly giá thị trường rất xa thời gian vừa qua, ông Nghiêm Minh Tiến cho hay.

Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại như quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn, quy trình canh tác sắn, quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh khảm lá sắn… và phối hợp cùng Viện Di truyền nông nghiệp công bố các giống sắn kháng bệnh khảm lá.

Đến nay, các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế… đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh của tỉnh và các huyện để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, nhiều địa phương có trồng sắn lớn như Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên... cũng đã dành nhiều cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai nhân giống sắn sạch bệnh, giống kháng bệnh khảm lá.

Điển hình như tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhanh việc nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3, HN5. Kế hoạch trong năm 2022 toàn tỉnh sẽ có khoảng 50 ha các giống sắn kháng bệnh; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 30% giống sắn kháng bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh.

Hay tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai xây dựng mô hình "Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm" (giống KM94) với 20 ha. Năm 2022, mô hình cung ứng giống sắn sạch bệnh KM94 cho khoảng 200 ha. Ngoài ra, Trung tâm giống của tỉnh cũng đang trồng thử nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá của Viện Di truyền nông nghiệp để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển tại địa phương.

Về nhân giống kháng bệnh, ông Nguyễn Quý Dương cho biết, Viện Di truyền nông nghiệp đã nhân giống nuôi cấy mô với các giống mới như: HN1, HN36, HN80, HN97 làm nguồn giống cho các địa phương tiếp tục nhân giống. Viện cũng tập huấn chuyển giao công nghệ nhân giống cho các đơn vị có nhà màng Tunnel.

Về nhân giống trên đồng ruộng, sau khi có nguồn giống kháng bệnh từ việc nhân bằng nhà màng Tunel thì có thể nhân giống số lượng lớn trên đồng ruộng với các giống mới như: HN1, HN36, HN80, HN97 và giống HN3, HN5 hiện đã có trên đồng ruộng.

Trước tình trạng diện tích sắn bị bệnh khảm lá sắn tăng cao, theo ông Nguyễn Quý Dương, Cục tiếp tục hướng dẫn các địa phương phòng chống bệnh khảm lá sắn; trong đó tập trung phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Hiệp hội Sắn Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh và chuyển giao cho các địa phương.

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn cho các đơn vị có nhà màng Tunnel; nhân giống nuôi cấy mô cung cấp cho các đơn vị có nhà màng Tunnel; hướng dẫn nhân giống trong nhà màng cung cấp cho hệ thống nhân giống trên đồng ruộng.

Ông Nguyễn Quý Dương cho rằng, các địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khảm lá sắn; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và vận chuyển hom giống bị bệnh, xử lý những cơ sở bán giống không rõ nguồn gốc, giống nhiễm bệnh. Mỗi hécta sắn không bị bệnh đủ trồng cho 8-10 ha nên các địa phương cần tổ chức hình thức chia sẻ giống sạch bệnh trong cộng đồng. Người có giống không bị bệnh chia sẻ cho người có ruộng sắn bị bệnh.

Hiệp hội sắn Việt Nam phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh. Hiệp hội, địa phương cần kêu gọi các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ nông dân giống sạch bệnh; trực tiếp tổ chức hoặc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống sạch bệnh, kháng bệnh.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm