Nhân 45 năm Thống nhất đất nước:

Cuộc chiến vì hòa bình giữa đầu não địch - Bài 2

Cuộc chiến vì hòa bình giữa đầu não địch - Bài 2
Bài 2: Lá cờ báo tin chiến thắng 
Quyết tâm treo cờ ngay giữa Sài Gòn
Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis, tham gia Đoàn với cấp bậc Thiếu úy, thuộc Ban Chính trị, chuyên nhiệm vụ cung cấp báo chí phục vụ công tác đấu tranh tuyên truyền với địch.
Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Ông Trần Trung Đệ chia sẻ, vào đêm Giao thừa năm 1973 trong Trại Davis, một chiến sỹ thông tin của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa treo một lá cờ lên trên dàn ăng-ten di động. Sau đó, địch phản đối quyết liệt không cho mình được treo cờ. Chúng dùng máy bay trực thăng quần thảo, lính dù vây lớp lớp bên ngoài gây sức ép đòi ta phải hạ cờ.
 
Giao thừa là thời khắc rất thiêng liêng, rất quý với anh em, nhất là những người xa quê, xa nhà trong vùng địch, anh em bột phát treo cờ chứ không phải chỉ đạo từ cấp trên. Sau đó, lãnh đạo trả lời là Giao thừa anh em treo lên rồi sẽ cất đi, ở đây không có cái gọi là “hạ cờ” như đòi hỏi của địch”, ông Trần Trung Đệ nhớ lại.
 
Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc với ông Trần Trung Đệ. “Tôi tự nhủ rồi sẽ có lúc mình phải treo lá cờ lên mà không ai nói gì được. Tôi cứ quyết tâm vậy, tâm niệm vậy từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, nhưng cũng chỉ nghĩ trong lòng mà không nói với ai. Tôi ở trong Trại Davis tận hai lần Giao thừa mà không có cơ hội để làm điều đó”, ông Trần Trung Đệ cho biết.
 
Lúc đó, ông Trần Trung Đệ giữ vai trò là người nhận tài liệu chuyển từ Hà Nội vào, trong đó có rất nhiều cờ. Chính vì vậy, phòng ông có rất nhiều cờ, cả cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ (cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam), đủ kích thước, từ to 2mx3m đến nhỏ hơn là 1,8mx2m, nhiều nhất là kích thước 60cmx80cm, cả cờ đuôi nheo nhỏ nhỏ.
 
Theo ông Trần Trung Đệ, mỗi lần nhận cờ, ông lại nhớ đến tâm nguyện của mình, nên chuẩn bị một cái cây tầm vông, chuốt mắt tầm vông sạch sẽ, mang vào trong nhà cất đi. Rồi chuẩn bị cả dây buộc chuẩn bị cho ngày được treo cờ. Cũng chính vì mang tâm lý như thế, ông đã để ý tìm kiếm chỗ treo và phát hiện cái tháp nước là cao nhất trong trại là nơi treo cờ tốt nhất.
 
Vậy nhưng tôi cũng chỉ nghĩ rồi để đó. Thỉnh thoảng tôi lấy lá cờ ra phơi. Mấy cậu lính thợ ở nhà lầu bên cạnh gọi với sang “anh giải phóng ơi, anh phơi cờ làm gì vậy”. Tôi trả lời đàng hoàng “phơi cho khô, để lúc treo cho sạch”, họ lại hỏi “thế anh treo ở đâu”. Tôi trả lời “khi nào tôi treo, các anh sẽ rõ”, bởi mình không thể nói là mình sẽ treo cờ ở Sài Gòn”, ông Đệ kể lại.
 
Khoảng 8 giờ ngày 30/4/1975, nhận thấy tình hình chiến thắng đã cận kề, ông Đệ báo cáo với Chủ nhiệm Chính trị Ngô Văn Sương, đề nghị treo cờ. Ông Sương gọi điện báo Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn và báo lại là cấp trên đồng ý cho treo cờ và giao ông Đệ làm nhiệm vụ này. Ông Đệ cùng hạ sỹ quan dưới quyền là Phạm Văn Lãi, Nguyễn Cảnh Hòe và xin thêm một người bên vệ binh là anh Nguyễn Văn Cẩn để thực hiện nhiệm vụ.
 
Ông Đệ cho biết, trước đó, anh em tôi đã họp phân tích những nguy cơ bị bắn khi treo cờ, những góc, hướng nào an toàn... Chúng tôi ngại nhất phía trại lính dù, nhưng từ sáng 29/4, bên đó đã vắng bóng. Tính thì phải cho hết tình huống, chứ cũng xác định lúc đó cũng không vấn đề gì.

"Trước đó, để thử phản ứng, tối 28/4, tôi đã treo một lá cờ 80cmx100cm lên cái giá của sân bóng rổ (quay về hướng gia binh địch), nhưng không thấy có phản ứng gì”, ông Đệ nhớ lại.
 
Trèo lên tháp nước lúc đó không phải là chuyện dễ. Ông Lãi đeo súng ngắn nhận nhiệm vụ treo cờ, còn ông Cẩn mang theo cả súng ngắn và tiểu liên làm nhiệm vụ bảo vệ và đưa cờ lên. Còn ông Đệ và anh Hòe cũng mang theo vũ khí yểm trợ nhưng đứng bên dưới.
 
Đó là lá cờ lớn nhất 2mx3m, lá cờ xanh đỏ sao vàng. Sau khi treo xong, mọi người thấy vậy, rời khỏi hầm, nhảy lên vui mừng hô hào. Tôi cũng không nói được câu nào, nhưng trong lòng sướng lắm, tôi ôm lấy cậu Lãi và cậu Cẩn, quên cả cậu Hòe bên cạnh. Lúc đó khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/4. Sau đó, bộ đội của Quân đoàn 4 khi đến chiếm Tân Sơn Nhất đã đến ngay Trại Davis, có người nói là nhờ thấy lá cờ mà anh em tìm đến được ngay”, ông Đệ rơm rớm nước mắt nhớ lại.
 
Bức ảnh “sống mãi” của Phùng Bất Diệt
Khoảnh khắc treo cờ trong Trại Davis là sự khẳng định chiến thắng đã đến với quân giải phóng. Hình ảnh đó đã được ghi lại bởi Nhiếp ảnh Phùng Bất Diệt (tên thật là Phùng Văn Hiền), tham gia Đoàn B trong tổ báo chí, chuyên quay phim, chụp hình.
Bức ảnh các chiến sỹ đoàn B cắm cờ trên trại Davis sáng 30/4/1975 (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN
Bức ảnh các chiến sỹ đoàn B cắm cờ trên trại Davis
sáng 30/4/1975 (ảnh tư liệu). Ảnh: TTXVN

Ông Phùng Bất Diệt quê ở Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Năm 1962, từ Sài Gòn về Bến Tre, ông được các anh du kích, bộ đội rủ vào quân giải phóng. Ông lấy tên là Phùng Bất Diệt, mang vỏ bọc một thanh niên từ Sài Gòn về chơi để vào đồn ngụy, tìm hiểu nội tình cho quân giải phóng đánh chiếm đồn.
 
Bố tôi biết vậy rất lo, vì thấy du kích bị địch giết nhiều, nên gọi về vừa khóc vừa bảo “mày ở nhà, tao gá vợ cho, không thì đi thật xa, chứ ở đây sớm muộn tụi nó cũng biết”. Tôi quyết định tham gia quân giải phóng, đó là ngày 19/6/1962. Các anh ở Cục Chính trị Miền thấy cái tên tôi là lạ, lại có chút lanh lợi do từ Sài Gòn về, nên rút về Cục Chính trị Miền, cho đi học quay phim rồi về làm tại Xưởng phim Quân Giải phóng”, ông Phùng Bất Diệt nhớ lại.
 
Thời gian ở Trại Davis, ông Phùng Bất Diệt làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh. Ông sử dụng chiếc máy quay phim Bell Howell và máy ảnh Leica M5 (là một trong 5 chiếc máy ảnh được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cộng hòa Dân chủ Đức tặng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Lúc đó, chiếc Leica M5 là một trong những chiếc máy ảnh được giới báo chí tại Sài Gòn ao ước, xuýt xoa mỗi khi nhìn thấy.
 
Về khoảnh khắc chụp được bức ảnh treo cờ chiến thắng trong Trại Davis năm xưa, ông Phùng Bất Diệt cho biết: “Lúc các ông ấy đi treo cờ, tôi không biết, nhưng khi đang treo,  tôi được báo và cũng không nhớ ai báo. Tôi xách cái Leica M5 chạy đến chụp 2 hay 3 kiểu gì đó, sau chọn rửa được một kiểu là cái ảnh hiện nay vẫn được các sách báo, tài liệu về Trại Davis sử dụng. Thực ra, lúc đó cũng không để ý ai là người đứng trên ai là người đứng dưới (treo cờ). Sau này mới biết, đó là anh Lãi và anh Cẩn”.
 
Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng ông Phùng Bất Diệt trở nên linh hoạt, hào hứng khi nhắc về những năm tháng ở Trại Davis. Thời đó, ông quay phim khá nhiều các cuộc họp, các chuyến đi của anh em đoàn B thực hiện nhiệm vụ ở ngoài Trại Davis và cả trận ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Ngay sau khi dứt tiếng bom, ông đã leo lên nhà lầu quay sang sân bay.
 
Những thước phim mô tả sân bay Tân Sơn Nhất mịt mù khói lửa, còi xe cứu hỏa ầm ĩ ngay sau trận đánh đã được lãnh đạo rất khen ngợi. “Tôi cũng chụp khá nhiều ảnh, nhưng tấm ảnh chụp anh em cắm cờ trên Trại Davis ngày 30/4/1975 là bức ảnh đáng nhớ nhất. Mọi người vẫn nói với tôi là đó là tấm ảnh để đời, tôi cũng thấy đúng là như vậy”- ông Phùng Bất Diệt hào sảng chia sẻ./. (Còn nữa).
  Xuân Khu - Tiến Lực
 Bài 3: Kiên định niềm tin chiến thắng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm