Nhạc ngũ âm trước nguy cơ mai một

Nhạc ngũ âm trước nguy cơ mai một
Dàn nhạc ngũ âm của chùa Ô Chum Rứt Sa, ở xã Vị Thủy, nhiều năm qua “không cất tiếng”.
Dàn nhạc ngũ âm của chùa Ô Chum Rứt Sa, ở xã Vị Thủy, nhiều năm qua “không cất tiếng”.

Văn hóa Khmer có nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, trong đó dàn nhạc ngũ âm chiếm một vị trí rất quan trọng, thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng. Nhạc ngũ âm là tập hợp của 5 loại nhạc cụ được làm từ những chất liệu như: đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Do cấu tạo khác nhau, nên mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng về âm thanh riêng biệt. Nhưng khi dàn nhạc ngũ âm cùng hòa âm thì lại hỗ trợ cho nhau, tạo thành một bản nhạc vô cùng độc đáo. Ông Sơn Kích, đại diện Ban Quản trị chùa Bô Rây Sê Rây Chum, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi không biết nhạc ngũ âm có từ hồi nào, chỉ biết từ nhỏ đã nghe tiếng nhạc xập xình trong mỗi dịp lễ, tết. Đối với người Khmer, nhạc ngũ âm cũng quan trọng như tiếng nói, thể hiện cảm xúc vui buồn trong mỗi trường hợp”.

Theo nhiều người dân đồng bào dân tộc Khmer, trước đây, mỗi dịp lễ, tết lớn trong năm như: Chol Chnam Thmay, Dolta, lễ dâng y... đồng bào Khmer luôn muốn nghe tiếng nhạc ngũ âm. Những âm thanh trong trẻo, rộn ràng khiến không khí luôn vui tươi, giúp buổi lễ thêm phần long trọng. “Tùy thuộc vào ý nghĩa sự kiện mà nhạc ngũ âm có cách thể hiện khác nhau. Vào những ngày lễ hội, nhạc ngũ âm làm cho không khí ở phum, sóc thêm tươi vui, rộn ràng; còn khi đám tang, thì âm nhạc mang nỗi tiếc thương. Đó chính là nét độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer”, ông Kích nhấn mạnh.

Tuy là loại hình nghệ thuật khá độc đáo, có bề dày lịch sử lâu đời, nhưng nhạc ngũ âm trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì, tiếp nối giữa các thế hệ. Chùa Ô Chum Rứt Sa, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, được đầu tư dàn nhạc ngũ âm khoảng 7 năm nay. Những năm trước, khi địa phương có tổ chức lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, những người biết chơi nhạc cụ này tập hợp cùng hòa âm, góp vui cho ngày hội. Thế nhưng, khoảng 2 năm nay, việc hòa âm đã dần vắng bóng ở các lễ hội. Giải thích vấn đề này, ông Lê Vũ Phương, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Vị Thủy, cho biết: “Sở dĩ thời gian qua, địa phương không còn duy trì loại hình nhạc cụ này trong các lễ hội, là do không có người kế thừa hoặc có người kế thừa nhưng vì cuộc sống họ phải đi làm ăn xa, khó tập hợp đầy đủ. Bên cạnh đó, dàn nhạc ngũ âm của xã có một vài nhạc cụ đã xuống cấp, hư hỏng, do đó rất khó duy trì”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chùa Bô Rây Sê Rây Chum, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng được đầu tư dàn nhạc ngũ âm cách nay hơn 10 năm. Thế nhưng, khoảng 5 năm qua, người dân ở đây hầu như không nghe thấy hình dáng, âm thanh của nhạc cụ này ở các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer tổ chức tại địa phương. Theo ông Danh Hồng Hoa, một người chơi nhạc ngũ âm ở xã Xà Phiên, hiện tại, ở xã số người biết chơi nhạc ngũ âm chỉ tính trên đầu ngón tay. Nhiều năm qua, xã không có người kế thừa loại hình nhạc cụ này. “Để đào tạo một người cơ bản biết chơi nhạc thì mất khoảng 2 tháng, còn chơi hay thì đòi hỏi phải có thời gian dài. Chúng tôi đã mở lớp đào tạo cho thanh thiếu niên trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các em phải đi làm ăn xa, không tham gia chơi nhạc nữa”, ông Hoa bộc bạch.

Thiếu người kế thừa, nhạc cụ hư hỏng, xuống cấp sau khi đầu tư, còn những người biết chơi nhạc và dạy nhạc khi không nghe âm thanh của nhạc ngũ âm họ đành sang một số tỉnh lân cận để chơi, dạy nhạc. Ông Danh Hồng Hoa cho biết: “Thi thoảng, một số địa phương như Kiên Giang, Trà Vinh mời tôi sang để dạy, dù xa nhưng vì “máu nghề”, tôi sẵn sàng đi. Bởi, tôi biết chơi nhạc mà bỏ thì “ngứa nghề” lắm”.

Tỉnh Hậu Giang hiện  có 15 chùa Khmer, nhưng chỉ có 3 chùa có dàn nhạc ngũ âm và đã hư hỏng, xuống cấp. Trước thực trạng khó khăn của loại hình nhạc cụ này, rất cần sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành chuyên môn để góp phần bảo tồn nền văn hóa của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cũng cần thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay bảo tồn và phát huy tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm