Nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 93

Nhà văn Sơn Tùng và cuốn Búp sen xanh, phiên bản của NXB Kim Đồng dành cho thiếu nhi. Ảnh :.phunuonline.com.vn
Nhà văn Sơn Tùng và cuốn Búp sen xanh, phiên bản của NXB Kim Đồng dành cho thiếu nhi. Ảnh :.phunuonline.com.vn

Thông tin từ gia đình cho biết, Nhà văn Sơn Tùng - tác giả tiểu thuyết "Búp sen xanh", tiểu thuyết nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời vào 23 giờ ngày 22/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi.

Nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 93 ảnh 1Nhà văn Sơn Tùng và cuốn Búp sen xanh, phiên bản của NXB Kim Đồng dành cho thiếu nhi. Nguồn: phunuonline.com.vn

Khi biết tin buồn về tác giả "Búp sen xanh", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều xúc động chia sẻ trên trang cá nhân: "Nhà văn Sơn Tùng đã ra đi. Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông!".

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Từ năm 1944, khi mới 16 tuổi, ông đã sớm tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên Thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học Nhân dân. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong.

Năm 1965, nhà văn Sơn Tùng là đặc phái viên của Báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng.

Năm 1971, ông bị thương nặng trong chiến đấu. Cùng lúc, ông bị chấn thương sọ não, vỡ xương vai, nửa người bên phải hầu như bị liệt không đi lại được, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái chỉ còn 2 ngón, thị lực còn 1/10.

Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4 nhưng vẫn tiếp tục cầm bút, ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hoá của dân tộc. Từ năm 1974 tới nay, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện.

Ông là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác. Trong đó, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết "Búp sen xanh" viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách ra mắt lần đầu năm 1982, tới nay, tác phẩm đã được tái bản hơn 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 1990, khi các nhà làm phim đề nghị ông viết một kịch bản phim kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn đã chuyển thể "Búp sen xanh" thành "Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng", kịch bản in thành sách năm 2015.

Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ như cuốn "Từ làng Sen"; "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh", "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh", "Bác về", "Bông sen vàng", "Bác ở nơi đây", Hoa râm bụt"... Ông được coi là nhà văn viết về Bác Hồ thành công nhất.

Ngoài ra, Nhà văn Sơn Tùng còn viết về một số nhân vật cách mạng khác như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Ông còn có một số sáng tác khác như "Lõm", viết năm 1976, in lần đầu năm 1994, "Trái tim quả đất", viết năm 1988, in lần đầu năm 1990…

Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được trao tặng danh hiệu này.

Tháng 6/2010, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau biến cố này, sức khỏe ông suy kiệt dần. Ông nằm liệt suốt một thời gian dài, mọi hoạt động đều phải nhờ tới sự chăm sóc của người thân trong gia đình.

Phương Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm