Nhà thơ dân tộc Y Phương - Một tài năng đặc biệt, một nhà thơ dân tộc độc đáo

Nhà thơ dân tộc Y Phương - Một tài năng đặc biệt, một nhà thơ dân tộc độc đáo

Thông tin nhà thơ dân tộc Tày Y Phương đột ngột qua đời ở tuổi 74 khiến bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng, tiếc thương.

Nhà thơ dân tộc Y Phương - Một tài năng đặc biệt, một nhà thơ dân tộc độc đáo ảnh 1Nhà thơ Y Phương trong lần giao lưu với học sinh khối 9 trường Đào Duy Từ - Hà Nội (tháng 11/2019). Ảnh: suckhoedoisong.vn

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng trong một gia đình dân tộc Tày. Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981. Sau đó, ông theo học và tốt nghiệp khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1986, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1991, ông là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Năm 1993 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.

Ông bắt đầu sự nghiệp thơ ca từ năm 1973, khi những tác phẩm được in trên báo như "Bếp nhà trời", "Dáng một con sông". Trong hơn 30 năm cầm bút của mình, nhà thơ Y Phương đã xuất bản nhiều tác phẩm gồm: Tập kịch "Người của núi" (1982); các tập thơ gồm "Người Núi Hoa" (1982), "Tiếng hát tháng Giêng" (1986), "Lửa hồng một góc" (1987), "Lời chúc" (1991), "Đàn Then" (1996), "Thơ Y Phương" (2002),... Bên cạnh, ông đó còn có 2 tập song ngữ "Vũ khúc Tày" (Tủng Tày) và "Hoa quả chuông" (Bjooc ăn lình); 2 tập tản văn: "Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm" (2009) và "Kungfu người Co Xàu" (2010).

Ông đã đạt giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984 và Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 với tập thơ "Tiếng hát Tháng Giêng". Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Theo đánh giá của bạn bè, đồng nghiệp trong giới văn chương, Y Phương là nhà thơ có bản sắc tương đối rõ, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung, nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. Ông là một cây bút luôn băn khoăn, trăn trở về ý nghĩa, ý thức giữ gìn giá trị cộng đồng, ông có phong cách riêng bởi khi sáng tác ông luôn đi tìm cái mới, cái độc đáo. Các tác phẩm của ông bao giờ cũng đau đáu tấm lòng hướng về quê hương xứ sở, về mảnh đất mình sinh ra, dân tộc và đất nước mình. Trong đó bài "Nói với con", được in trong sách giáo khoa lớp 9, là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của Y Phương. Tác phẩm này có những lời thơ mang đậm dấu ấn văn hóa người Tày qua các câu từ "Vách nhà ken câu hát", "Sống trên đá", "Sống trong thung", "Lên thác xuống ghềnh"...

Sinh thời, nhà thơ Y Phương đã từng nói, muốn sống đàng hoàng như một con người, phải bám vào văn hóa, phải tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa, phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hóa, không viện cớ thiếu thốn khó khăn mà đánh mất đạo đức, văn hóa…

Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của nhà thơ Y Phương đều mang đậm bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Ông luôn tự hào là một người con của dân tộc Tày và ý thức sâu sắc về những giá trị văn hóa Tày… Vì vậy, nhiều tác phẩm của ông đã tập trung ca ngợi nét đẹp của văn hóa truyền thống, miêu tả ngày lễ tết, giới thiệu phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, địa danh văn hóa, đặc sản vùng miền, vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên… Trên tất cả, thơ Y Phương luôn chứa đựng tình yêu quê hương, bản làng sâu sắc, yêu và tự hào về dân tộc mình… Các tác phẩm của ông đã góp phần làm giàu có và đa dạng thêm nền cho văn học Việt Nam.

Con gái của nhà thơ Y Phương, chị Hứa Nhuệ Anh chia sẻ, cả đời ông gắn với chữ nghĩa, chú trọng văn hóa nguồn cội. Trước khi mất, ông đang thực hiện tác phẩm về chữ Nôm Tày - chữ viết của người Tày. Ông còn nhiều dự định về thơ ca dang dở…

Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp giới văn chương. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông bàng hoàng khi nghe tin nhà thơ Y Phương qua đời bởi trước Tết, nhà thơ còn đến Hội nhà văn dự sự kiện và còn nói chuyện vui vẻ với mọi người.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Y Phương là một tài năng đặc biệt, ông là tác giả tập thơ "Tiếng hát Tháng Giêng", được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 và được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhà thơ Y Phương là một nhà thơ có bản sắc, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung và trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. Nét độc đáo đó nằm ở cả nội dung và hình thức. Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng, thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, phong cách mới.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày, ông sống ở Cao Bằng rồi theo con về Hà Nội. Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn cảm thấy những ngọn gió và câu hát tháng Giêng từ núi cao cố hương theo ông về chốn đô thành, ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình…

Thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, lễ viếng nhà thơ Y Phương diễn ra từ từ 16-17 giờ ngày 10/2/2022 (tức ngày 10 tháng Giêng, năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 17 giờ cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội. Ông được an táng tại quê nhà làng Hiếu Lễ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Phương Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm