Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam

Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam

Sau trận sạt lở núi kinh hoàng vào mùa mưa lũ năm 2020 và 2021, nhà ở của gần 200 hộ đồng bào tại các xã vùng sâu, vùng xa huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị cuốn trôi, hư hỏng nặng.

Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam ảnh 1 Bình quân mỗi ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng, được xây dựng theo kết cấu 3 cứng: cứng mái, cứng vách, cứng nền để người dân sinh sống lâu dài. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương và đồng bào cả nước, cuộc sống của bà con vùng sạt lở núi huyện Phước Sơn đến nay cơ bản ổn định. Người dân yên tâm sống trong khu tái định cư với những ngôi nhà được xây dựng theo kết cấu ba cứng (cứng mái, cứng vách, cứng nền).

Để ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào, từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện Phước Sơn đã đầu tư, lần lượt đưa vào sử dụng 5 khu tái định cư cho trên 170 hộ đồng bào ở vùng bị sạt lở núi và có khả năng bị sạt lở cao. Bình quân mỗi ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng, được xây dựng theo kết cấu ba cứng để bà con sinh sống lâu dài.

Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam ảnh 2Bình quân mỗi ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng, được xây dựng theo kết cấu 3 cứng: cứng mái, cứng vách, cứng nền để người dân sinh sống lâu dài. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Vào ở trong khu tái định cư mới, ông Hồ Văn Sơn, thôn 4, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, sau trận sạt lở núi kinh hoàng cách đây hơn 2 năm, nhà của bà con phần lớn bị trôi hoặc đất đá vùi lấp, nhiều nhà khác hư hỏng nặng. Khi về khu tái định cư mới, nhà ở được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo phương châm ba cứng, người dân rất yên tâm. Khu tái định cư có đường, điện đầy đủ, bà con rất phấn khởi.

Bên cạnh việc ổn định chỗ ở cho hàng trăm hộ đồng bào tại 5 khu tái định cư, huyện Phước Sơn lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con khai hoang, tạo quỹ đất sản xuất, trồng cây dược liệu, giảm dần diện tích trồng keo, xây dựng sinh kế bền vững.

Các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất lần lượt đưa vào sử dụng. Riêng hạ tầng giao thông, đến trước mùa mưa năm nay, các công trình cầu đường, ngầm tràn vượt sông suối, tường chắn ở khu vực trọng yếu, khu vực thường xuyên bị sạt lở đều được khôi phục cơ bản, đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn và thuận lợi trong vận chuyển lương thực, hàng hóa cho đồng bào.

Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam ảnh 3 Người dân ở vùng sạt lở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn đã có cuộc sống ổn định ở nơi tái định cư. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Kỹ sư Trần Văn Kiệt, chỉ huy công trình khôi phục đường giao thông liên xã Phước Thành - Phước Kim cho biết, thời điểm này, khu vực miền núi huyện Phước Sơn thường xuyên có mưa vào buổi chiều. Vì vậy, đơn vị tập trung vật tư, phương tiện, tranh thủ thời thiết thuận lợi thi công xuyên trưa bù cho thời gian trời mưa vào buổi chiều nhằm đảm bảo hoàn thành tiến độ, đưa các công trình cầu vượt suối, ngầm tràn vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ, sau các trận sạt lở núi kinh hoàng cách đây hơn 2 năm, với nguồn vốn gần 600 tỷ đồng được Trung ương và tỉnh phân bổ, huyện tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công trình trường học, trạm y tế, nước sạch phục vụ sinh hoạt, khu tái định cư ở xa nơi sạt lở núi cho đồng bào. Hiện nay, các khu tái định cư cho bà con vùng sạt lở núi đã hoàn thành. Các công trình hạ tầng xã hội đã được đưa vào hoạt động ổn định.

Nhà ở ba cứng cho đồng bào vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam ảnh 4Người dân ở vùng sạt lở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn đã có cuộc sống ổn định ở nơi tái định cư. Ảnh: Đoàn Hữu Trung-TTXVN

Về lâu dài, huyện Phước Sơn tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại điểm dân cư, vùng phân bố dân cư thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao về các khu tái định cư. Phước Sơn tiếp tục lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình khác nhau để khôi phục và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các giải pháp tạo lập sinh kế bền vững đang tiếp tục được nhân rộng để ngăn chặn nạn phá rừng làm rẫy, gây xói mòn là nguyên nhân chính gây ra những trận sạt lở núi trong những năm qua, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết thêm.

Sau hai năm nỗ lực, đến nay, cuộc sống của đồng bào vùng sạt lở núi huyện Phước Sơn đã ổn định. Bên cạnh chỗ ở ổn định, bà con tại các khu tái định cư mong muốn được quan tâm hỗ trợ đất sản xuất, vốn phát triển chăn nuôi, tạo lập sinh kế bền vững để yên tâm sinh sống lâu dài ở nơi ở mới. Có như vậy, chương trình giãn dân vùng sạt lở núi mới thật sự phát huy hiệu quả.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm