Nhà nông trồng hồ tiêu ở Bình Phước lao đao

Người dân ở huyện Lộc Ninh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN phát
Người dân ở huyện Lộc Ninh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN phát

Trong thời gian giá thu mua hồ tiêu mang lại thu nhập cao, nhiều hộ dân tại tỉnh Bình Phước đã “mạnh tay” vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển cây trồng được mệnh danh là “vàng đen”. Tuy nhiên, sau đó giá tiêu giảm dưới 100.000 đồng/kg từ giữa năm 2017 và liên tục duy trì ở mức thấp đến nay khiến nhiều nhà vườn lao đao, chán nản bỏ bê hoặc phá bỏ vườn.

Nhà nông trồng hồ tiêu ở Bình Phước lao đao ảnh 1Người dân ở huyện Lộc Ninh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN phát

Nhận thấy giá hồ tiêu liên tục tăng cao, năm 2012, gia đình ông Văn Tiến Xuân ở xã biên giới Hưng Phước (huyện Bù Đốp) quyết định chi hơn 1,2 tỷ đồng và vay thêm vốn từ ngân hàng 800 triệu đồng để đầu tư trồng thêm 2 ha tiêu với hy vọng nguồn thu cho gia đình sẽ cao hơn. Tuy nhiên, vườn hồ tiêu xanh tốt thu hoạch chưa lấy vốn thì giá tiêu bắt đầu giảm mạnh. Vì vậy, 5 năm trở lại đây, vườn tiêu gia đình ông Xuân thu không đủ để chi cho tái đầu tư mùa sau.

Ông Văn Tiến Xuân chia sẻ: "Gia đình trồng tiêu từ năm 2011 đến nay. Từ khi giá xuống thấp, đầu tư cho hồ tiêu miết cứ thua lỗ vậy nên đi vay ngân hàng để chăm sóc cây tiêu, rồi nguồn thu từ cây tiêu đến giờ chưa trả hết ngân hàng được".

Đầu năm 2023, trước tình trạng khó khăn ngày càng lớn, gia đình ông Xuân quyết định phá bỏ vườn tiêu, chuyển đổi cây trồng khác để cải thiện thu nhập ổn định cuộc sống. Theo ông Xuân, sau khi phá cây tiêu, gia đình chuyển đổi cây trồng để có nguồn thu trả lãi ngân hàng. Nếu giữ cây hồ tiêu mà giá thấp thì thể không trả được lãi ngân hàng.

Còn tại xã Lộc Quang (huyện biên giới Lộc Ninh), nhiều gia đình trồng cây hồ tiêu cũng lao đao nợ nần nhiều năm khi muốn đổi đời bằng “vàng đen”; trong đó vợ chồng anh Sầm Văn Sơn ở xã Lộc Quang, năm 2015, thời điểm giá tiêu đang ở đỉnh cao đã mạnh dạn vay tại một ngân hàng trong huyện 100 triệu đồng để đầu tư trồng 0,4 ha tiêu. Khi vườn tiêu cho thu hoạch, giá đã giảm xuống dưới 100 nghìn đồng/kg. Vì vậy, vốn dùng để tái đầu tư cho cây trồng cũng giảm dần dẫn đến vườn tiêu năng suất kém, sâu bệnh và chết dần. Đến nay, khả năng trả lãi ngân hàng đối với gia đình anh Sơn đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Để có vườn tiêu đạt năng suất và chất lượng, nhiều hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh phải vay vốn đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, giá tiêu ở mức thấp dưới 100.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu kém vui. Ngược lại, giá vật tư nông nghiệp tăng cao cũng khiến việc tái đầu tư cho vườn tiêu gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế đó, không ít hộ dân đã phải từ bỏ cây tiêu để trồng các loại cây trồng khác hoặc chuyển sang trồng cỏ để chăn nuôi. Trong khi đó, hiện vẫn còn khá nhiều hộ trồng tiêu vẫn đang “gánh” khoản nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả hết.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính, hiện trong xã có rất nhiều hộ không đủ khả năng trả lãi cho ngân hàng sau khi đầu tư cho cây tiêu. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú nhấn mạnh, người dân hiện rất băn khoăn, lo lắng vì đa số người dân vay vốn từ ngân hàng để đầu tư vào vườn tiêu trong những năm trước đây khi giá tiêu cao.

“Cách đây 2 năm, giá tiêu có nhảy lên chút đỉnh, người dân cứ nghĩ có chiều hướng phát triển và tiếp tục đầu tư. Từ năm ngoái đến nay giá tiêu xuống ở mức thấp, người dân vay vốn ngân hàng giờ rất khó khăn. Chính vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ cho người dân bằng cách khoanh vùng, giãn nợ giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất để giữ vững cây tiêu huyện Lộc Ninh nói riêng và của tỉnh Bình Phước nói chung”, ông Lê Khắc Phú cho biết thêm.

Tỉnh Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn cả nước. Hồ tiêu được trồng với diện tích lớn chủ yếu ở các huyện: Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Hớn Quản… Theo thống kê của tỉnh Bình Phước, năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 13.550 ha hồ tiêu, giảm 314 ha so với năm trước. Còn trong năm 2022, diện tích tiêu trên địa bàn giảm 1.862ha.

Để duy trì, giữ vững cây hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước, các cấp, các ngành, các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giúp người trồng tiêu giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất và có điều kiện duy trì những vườn tiêu còn sinh trưởng và phát triển tốt.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm