Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa

Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 26/8, mực nước trên thượng lưu các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đang lên.

Trong ngày 26/8, thượng lưu các sông suối khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 2-3 m, hạ lưu từ 1-2 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1. Mực nước đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị thuộc các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh (thành phố Hạ Long, Cẩm Phả). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, khoảng trưa 26/8, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 50-90 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vùng trũng thấp đối với các huyện: Tam Dương, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Sông Lô, Yên Lạc (Vĩnh Phúc); Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng (Bắc Giang)...

Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét...

Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm