Đồng bào dân tộc Xê-đăng sinh sống chủ yếu tại 3 xã: Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam). Với tập quán canh tác trên các thửa ruộng bậc thang, xung quanh là plơi (làng) nên nhiều giá trị văn hóa gắn liền với quá trình canh tác của họ vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn.

Người Xê-đăng thường sống theo plơi, mỗi plơi có khoảng 15 - 20 nóc nhà, mỗi nóc lại có 8 - 10 người. Họ thường ở trong các nhà sàn, mái thấp, lợp bằng lá và dựng rất gần nhau, xen vào giữa là kho thóc của từng gia đình. Mỗi plơi thường có một ngôi nhà sàn dựng ở giữa làm nơi tập hợp vui chơi của mọi người. Đây cũng là nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống, nhất là lễ hội đâm trâu.

Trong tín ngưỡng của người Xê-đăng, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, lúa - ngô (bắp) đầy kho là do thần lúa ban tặng nên những lúc được mùa, họ thường tổ chức Lễ mừng lúa mới với nghi thức rước “hồn lúa” diễn ra khá trang trọng. Theo già làng Hồ Văn Bông ở thôn 1, xã Trà Linh, người Xê-đăng cho rằng, “hồn lúa” thường trú ngụ trong một giống lúa xưa nhất và được trồng riêng trong một mảnh đất thiêng trên rẫy. Vì vậy, trong nghi thức luôn có tục căng dây đưa “hồn lúa” về kho và được tổ chức khá chu đáo.

Hiện nay, đồng bào Xê đăng ở Nam Trà My thường trồng một số loại cây làm “nhân ngãi” cho lúa như: hành, nghệ, mào gà… Các cây chọc lỗ dùng xong được dựng lại tại chỗ để bảo vệ “hồn lúa”. Lúa giống được để vào chiếc gùi dưới chân cây nêu, trên ngọn có cắm bông lau tượng trưng cho hoa lúa, các gia đình trong nóc sẽ được phát giống lúa đó để trồng trên rẫy. Họ cũng giữ lại một ít lúa để làm cơm dâng thần linh, tiễn đưa “hồn lúa” lên rẫy và mời bạn bè thưởng thức.

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Xê-đăng có những nghi lễ dân gian truyền thống. Theo kinh nghiệm cổ truyền, mùa lao động sản xuất được báo hiệu bằng tiếng sấm đầu năm. Vào những ngày trăng tròn tháng 3, họ lại tổ chức Lễ cúng máng nước. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng, cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng, con cháu đi làm ăn xa, những người đi lấy chồng hay ở rể các làng xa đều về họp mặt.

Ngoài các tín ngưỡng liên quan đến lúa, người Xê-đăng còn có tục trồng cây gạo khi lập làng mới với quan niệm có thần linh trú ngụ, tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. Tới làng của người Xêđăng, nếu có nhiều cây gạo to có nghĩa là họ đã cư trú ở đó lâu đời. Cây gạo cũng tượng trưng cho quê hương xưa của tổ tiên người Xê-đăng.

Dù trải qua nhiều thế hệ, nhiều tháng năm nhưng đến nay, những tín ngưỡng dân gian của người Xê-đăng cùng các nghi thức dân gian đặc sắc vẫn luôn tồn tại, góp phần vào sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Khánh Nguyên