Người Xá Phó “rước hồn mẹ lúa”

Người Xá Phó “rước hồn mẹ lúa”
Trong tín ngưỡng Tết cơm mới, độc đáo nhất vẫn là nghi lễ giữ hồn lúa mẹ ở nương và nghi lễ rước hồn lúa mẹ về kho thóc hoặc sàn nhà. Ngày đầu tiên đi gặt, chỉ có hai vợ chồng chủ nhà, dậy sớm chuẩn bị cơm gói và chiếc hái, gùi qua đầu và đặc biệt là hòn đá thần (loại đá trắng có nhiều hạt hình ngũ giác tạo thành - trông giống hạt gạo). Ngày đi hái lúa đầu tiên giống như đi đón hồn lúa về nhà nên mọi việc phải được kiêng kỵ thì hồn lúa mới về đến nhà, nên gia chủ phải đi một mạch đến nương, không đi đường tắt, trên đường đi không được hỏi chuyện hay trả lời người khác.
 
Người Xá Phó thu hoạch lúa để tổ chức Tết cơm mới
Người Xá Phó thu hoạch lúa để tổ chức Tết cơm mới

Khi đến gần nương, bà chủ làm lý rào nương để không cho ai đi qua vì sợ làm ảnh hưởng đến hồn lúa nương. Bà chủ hái ba lá ngái để bọc hòn đá thần rồi đi vào giữa nương, hướng về phía mặt trời mọc, nín thở hai tay quơ ba gốc lúa, rồi dùng lá lúa buộc vào thành một bụi to, cho “hòn đá thần” vào giữa bụi lúa để làm hồn lúa mẹ “Xè mạ”. Buộc xong lạt, bà chủ mới được thở nhẹ nhàng... Giữ hồn lúa xong, bà xuống chân nương hái ba bông lúa rồi nhổ ba gốc rạ để ủ hồn lúa ở chân nương. Thực hiện xong nghi lễ giữ hồn lúa mẹ, bà chủ nương cùng chồng đi từ chân nương đến đỉnh nương để hái từng bông lúa.
 
Mọi người gùi lúa trở về nhà
Mọi người gùi lúa trở về nhà

Sang ngày thứ hai, bà chủ cùng người anh em đến đổi công giúp hái lúa. Người Xá Phó quan niệm rằng, khi hái lúa mọi người tuyệt đối không được chớp mắt vì nếu chớp mắt khi lúa hái và buộc thành từng cum sẽ bị rụng hạt. Khi hái, mọi người không được thở mạnh vì nếu thở mạnh sợ sẽ làm hồn lúa hoảng sợ mà bỏ đi khỏi nương. Khi chuẩn bị thu lúa nương, bà chủ nương ra chỗ ủ hồn lúa, lấy bông lúa đó ra chân nương hô thật to “Mọi người hãy thu lúa đi, tôi giữ hồn lúa đây rồi”. Nghe xong, người đến giúp vác từng cum lúa đem về vị trí tập kết ở chân nương. Bà chủ lấy ba bông lúa nhét vào bó lúa nương tốt nhất để làm lúa giống năm sau. Mọi người tiếp tục hái lúa đến khi xong mảnh nương. Bà chủ nương bắt đầu đi đón hồn lúa mẹ. Lúc này, bà chủ lại nín thở, tháo lạt để lấy hòn đá thần cất đá vào túi đeo. Sau đó, bà chủ kiểm đếm số cum lúa, cứ xếp ba cum thành một đống, nếu số cum sau cùng là số cum lẻ một cum thì báo hiệu năm tiếp theo lúa nương sẽ được mùa. Sau đó, mọi người gùi lúa trở về nhà. Phụ nữ Xá Phó dùng địu qua đầu để gùi, còn đàn ông thì dùng đòn sóc xiên qua hai cum lúa gánh trên vai trở về nhà. Trước đây, người Xá Phó thường hay làm kho thóc ở bên cạnh rừng, vị trí gần nhà để tiện sử dụng, kho thóc làm như vậy tránh được hỏa hoạn.
 
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Xá Phó trong lễ mừng cơm mới
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc Xá Phó trong lễ mừng cơm mới

Ngày nay, người Xá Phó đưa thóc cất trữ trên sàn gác, khi mang lúa vào nhà, chủ nhà đóng hết các cửa để tránh hồn lúa mẹ sợ mà bỏ đi. Khi mang lúa về nhà, người hái lúa sẽ đặt những cum lúa ở mẹt, chia thành 1 nắm lúa tẻ, 1 nắm lúa nếp dùng để dâng cúng. Số lúa còn lại, đặt lên sàn gác bếp để sấy khô. Người ta xếp 3 cum thóc chồng lên cao tạo thành hoa lúa. Cuối cùng, bà chủ nhà đặt hồn lúa mẹ vào trong giữa đống lúa và bảo “Hồn lúa mẹ hãy ở yên trong nhà nhé”. Khi nấu cơm mới, gia chủ chỉ cần làm lý có một ít thóc mới trần qua nước sôi, sau đó đem phơi, sấy khô trên gác bếp rồi vò, giã thành gạo đem đồ cùng gạo cũ - nhưng gọi là cơm mới.
 
Bà chủ nương đi đón hồn lúa mẹ
Bà chủ nương đi đón hồn lúa mẹ

Xong các nghi thức rước hồn mẹ lúa, người Xá Phó cùng nhau tổ chức múa hát; thổi kèn ma nhí, thổi sáo cúc kẹ chúc mừng gia chủ và chúc cho cả bản năm sau canh tác được mùa lúa nương, nhà nhà bội thu, no ấm.
Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm