Người thầy Ê-đê tự phạt mình khi học trò chưa ngoan

Người thầy Ê-đê tự phạt mình khi học trò chưa ngoan
Là người con của dân tộc Ê-đê, sinh ra và lớn lên trên núi rừng Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, hơn ai hết, thầy giáo Y Giêng, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Ea Lâm, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn và trở ngại của học trò Ê-đê trên hành trình đi tìm con chữ. Vì vậy, trong gần 10 năm đứng lớp, thầy Y Giêng luôn trăn trở làm sao để giúp đỡ và dạy học sinh người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt, từng bước giúp các em có nếp sống văn hóa, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu... góp phần xây dựng buôn làng ngày càng văn minh hơn.
Thầy Ksor Y Giêng – Trường Tiểu học và THCS EaLâm (Sông Hinh, Phú Yên) luôn hết lòng vì học sinh nghèo Êđê. Ảnh: giadinh.net.vn
Thầy Ksor Y Giêng – Trường Tiểu học và THCS EaLâm (Sông Hinh, Phú Yên) luôn hết lòng vì học sinh nghèo Êđê. Ảnh: giadinh.net.vn

Trăn trở dạy tiếng Việt cho học trò dân tộc thiểu số

Sinh ra trong một gia đình Ê-đê thuần nông, với bốn anh chị em, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ngoài những buổi học trên lớp, Y Giêng phải phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà, chăn bò vào những buổi không lên lớp để có tiền đi học. Y Giêng luôn nung nấu ước mơ trở thành thầy giáo. Bằng nghị lực và nỗ lực không ngừng nghỉ, Y Giêng đã trúng tuyển chuyên ngành Cử nhân Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Tốt nghiệp Đại học, thầy Y Giêng trở về quê hương công tác tại Trường Tiểu học Ea Lâm, huyên Sông Hinh đến nay đã gần 10 năm.

Hàng ngày, thầy Y Giêng phải vượt 27 km từ nhà đến trường. Nơi thầy công tác là một vùng khó khăn nhất huyện, phần lớn người dân định cư ở đây là người Ê-đê, họ giao phó việc học của con em mình vào thầy, cô.

Nhớ lại những ngày mới đi dạy, thầy Y Giêng chia sẻ: Khi chứng kiến những cô cậu học trò bé bỏng, gầy guộc, tóc vàng hoe cháy nắng vì một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn bò, những hình ảnh thuở ấu thơ hiện về trong tâm trí. Ngày ấy, thầy Y Giêng cũng chưa biết nói tiếng phổ thông, cũng lem luốc, vất vả... Do vậy, thầy thấy mình càng cần gần gũi học sinh, hiểu và yêu thương các em nhiều hơn.

Học sinh người Ê-đê thường có tâm lý ngại giao tiếp, ít hòa đồng, ngại thể hiện mình trước tập thể. Các em rụt rè, e sợ khi trao đổi một vấn đề nào đó với giáo viên, khi trình bày lúng túng, sử dụng câu què, câu cụt, sai lỗi nhiều. Trước khi đến trường, đa số học sinh sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo.

Nhận thấy phần đông học sinh dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận môn Tiếng Việt, thầy Y Giêng đã mày mò, nghiên cứu các phương pháp sư phạm phù hợp để truyền đạt kiến thức cho các em. Với sáng kiến “Rèn kỹ năng viết đúng chính tả cho học sinh dân tộc Ê-đê lớp 4, Trường Tiểu học Ea Lâm”, nhiều học trò của thầy Y Giêng đã biết quy tắc viết chính tả, tự tin hơn khi học môn Tiếng Việt. Trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân viết sai chính tả của học sinh, thầy Y Giêng đưa ra một số giải pháp hữu hiệu như: luyện phát âm cho học sinh; phân tích so sánh tiếng, từ; giải nghĩa từ để các em nắm rõ, viết cho đúng; giúp học sinh ghi nhớ mẹo luật chính tả, làm bài tập… Đề tài này đã giúp thầy giáo người Ê Đê đạt giải Nhất tại Hội thi giáo viên giỏi tiểu học cấp tỉnh năm học 2016-2017.

Tuy nhiên, thầy Y Giêng cũng tâm sự: Khó khăn lớn nhất khi dạy cho học sinh dân tộc thiểu số là làm sao để duy trì việc nói tiếng Việt thành thạo cho các em. Bởi thông thường, ở lớp thầy chủ nhiệm, chỉ có vài ba học sinh người Kinh, đa số đều là người Ê- đê. Chỉ khi giao tiếp với thầy, trả bài, các em mới nói tiếng Việt còn đa phần các em vẫn dùng tiếng Ê- đê để trò chuyện với nhau. Những học sinh người Kinh sau một thời gian học cùng các bạn cũng chuyển sang nói thành thạo tiếng Ê - đê. Vì vậy, thầy Y Giêng luôn cố gắng dạy học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình học, đặc biệt là tăng cường Tiếng Việt và kiến thức Toán học để các em biết đọc, biết viết và giao tiếp bằng tiếng Việt, biết tính toán các phép tính đơn giản, học đến đâu, nắm chắc kiến thức đến đó. Từ đó, thầy giúp hình thành kỹ năng sống cho học sinh, các em biết hòa nhập cộng đồng và mạnh dạn giao lưu văn hóa giữa với các bạn học sinh là người Kinh trong vùng, cùng học điều hay, cái đẹp, cái văn minh của cộng đồng.

Trò chưa ngoan có trách nhiệm của thầy

Gần 10 năm đi dạy, thầy Y Giêng có nhiều kỷ niệm gắn bó với nghề. Nhằm giúp học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt khi giao tiếp, thầy gần như không sử dụng tiếng Ê-đê khi nói chuyện với học trò, cả trong giờ học hay giờ chơi. Có một lần, khi thầy hướng dẫn học cho một số bạn trong lớp nhưng giảng đi giảng lại, các em vẫn không hiểu bài nên thầy bắt buộc phải sử dụng tiếng dân tộc. Đến lúc đó, học sinh của thầy mới ồ lên: “A, thầy cũng biết nói tiếng Ê – đê”.

Một kỷ niệm khác khiến thầy Y Giêng không thể quên là về cô học trò Nay Hờ Han, học sinh lớp 2A năm học 2011-2012. Năm đó, cô học trò nhỏ ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm được trường chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tham dự chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, đến ngày chương trình diễn ra, Nay Hờ Han đã “trốn” mất vì sợ xuống huyện có nhiều người lạ. Thầy Y Giêng đã tìm biện pháp giúp đỡ cô học trò nhút nhát bằng cách động viên, khích lệ, tạo điều kiện để Nay Hờ Han phát triển kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, em đã trở nên tự tin hơn trước đám đông, trở thành lớp trưởng năng động, tích cực trong các phong trào trường lớp.

 “Nếu giáo viên không am hiểu, đồng cảm, làm bạn cùng học sinh, các em rất dễ mặc cảm, từ đó xem nhẹ việc học, dẫn đến bỏ học. Vì vậy, tôi luôn cố gắng gần gũi với học sinh bằng sự tận tụy và gương mẫu, từ đó giáo dục các em tiến bộ”, thầy Y Giêng bộc bạch.

Không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, với giáo viên ở các ngôi trường vùng sâu, vùng xa, mỗi thầy cô còn có nhiệm vụ vận động học sinh đến trường và truyền cảm hứng để các em kiên trì với “sự học”, giúp các em hoàn thiện nhân cách sống, kỹ năng sống, biết yêu thương và sẻ chia.

Thầy Y Giêng tâm sự: Nếu học sinh ở vùng thuận lợi đến trường đều được sự động viên, phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình, học sinh dân tộc thiểu số gần như bị buông lỏng. Các phụ huynh “trăm sự đều nhờ thầy”. Nhiều gia đình, bố mẹ đều đi làm xa nhà, để con ở cùng ông bà. Trong khi đó, gia đình nhà nông có nhiều việc cần làm, nếu con cháu nghỉ học buổi nào, ông bà mừng ngày đó vì có người phụ giúp.

Là một trong số giáo viên của trường có thể sử dụng tiếng Ê - đê nên buổi chiều sau giờ học,  thầy Y Giêng thường thay các thầy cô đến vận động gia đình cho con quay trở lại lớp. Thầy luôn hy vọng ông bà, bố mẹ sẽ cùng với thầy khuyên bảo để các em nhận thức được tầm quan trọng của việc học nhưng đa phần, phụ huynh đều bảo rằng: “Đấy thầy hỏi nó xem có đồng ý ngày mai đi học không?”. Bởi thế, việc vận động đã khó càng thêm khó. Việc giáo dục học sinh do vậy cũng phó mặc cho thầy.

Thầy Y Giêng tâm niệm: Khi ở nhà, con hư một phần do bố mẹ. Khi đến trường, trò chưa ngoan có phần trách nhiệm của người thầy. Thầy luôn cố gắng dùng tình yêu thương, sự tận tụy và nêu gương để học sinh có thể noi theo. Song không phải lúc nào, mọi sự cũng được như mong muốn.

Kể câu chuyện về hình thức kỷ luật học sinh, thầy Y Giêng cho biết: Có một lần, thầy đã phải dùng cách “không giống ai” khi ở lớp 4 do thầy làm chủ nhiệm. Vào giờ ra chơi, hai học sinh gây gổ, đánh nhau. Thầy đã mời hai học sinh đứng lên trước lớp và nói rằng: Để xảy ra sự việc này có một phần trách nhiệm do thầy không kịp thời quan tâm, khuyên răn các em. Vì vậy, trước khi phạt các em, thầy “tự phạt” mình trước. Sau đó, thầy đã dùng thước gỗ tự đánh mạnh vào chân mình, để lại vết bầm tím mà nhiều ngày sau mới hết. Học sinh lớp của thầy từ đó cũng hiểu chuyện hơn, không để xảy ra sự việc tương tự nữa.

Vào dịp 20/11 hàng năm, quà thầy Y Giêng nhận được là những bông hoa nhựa do học trò tặng. Năm nay, thầy Y Giêng vinh dự là một trong 63 thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu trên cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Nhưng với thầy Y Giêng, món quà ý nghĩa nhất đó là mỗi ngày, học sinh chăm chỉ đến trường học chữ, tích lũy kiến thức để thay đổi cuộc sống của mình, đem lại ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và buôn làng nơi các em đang sống.
Việt Hà
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm