Người “thắp lửa” đam mê hát Then ở Trung Yên

Chị Đàm Thanh Hiền hướng dẫn các cháu nhỏ cách chơi đàn Tính. Ảnh: Quang Cường - TTXVN
Chị Đàm Thanh Hiền hướng dẫn các cháu nhỏ cách chơi đàn Tính. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Hơn 4 năm qua, chị Đàm Thanh Hiền (28 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cội nguồn thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không tiếc thời gian, công sức miệt mài dạy hát Then cho 30 thành viên của Câu lạc bộ với mong muốn lưu giữ bảo tồn phát huy giá trị của nghệ thuật hát Then, đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Người “thắp lửa” đam mê hát Then ở Trung Yên ảnh 1Một buổi sinh hoạt của các thành viên câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính cội nguồn xã Trung Yên. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Tới thăm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cội nguồn thôn Quan Hạ vào những ngày Thu tháng Tám cũng là thời điểm các thành viên của Câu lạc bộ đang tích cực tập luyện chuẩn bị các tiết mục hát Then đặc sắc phục vụ khách du lịch tới tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào dịp Quốc khánh 2/9. Nở nụ cười tươi rói, chị Đàm Thanh Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, mỗi dịp Quốc khánh 2/9 Câu lạc bộ lại tập luyện những tiết mục hát Then có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, bày tỏ lòng biết ơn đến cội nguồn, tình yêu thương gia đình, tình yêu đôi lứa… Tuy khá mệt, nhưng ai cũng phấn khởi, nỗ lực tập luyện để nhanh thuộc các bài hát, điệu múa nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa biết đến nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày.

Người “thắp lửa” đam mê hát Then ở Trung Yên ảnh 2Chị Đàm Thanh Hiền hướng dẫn các cháu nhỏ cách chơi đàn Tính. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Nói về niềm đam mê nghệ thuật hát Then, chị Hiền chia sẻ, từ khi còn nhỏ được ông ngoại và mẹ dạy hát làn điệu Then, cách chơi đàn Tính. Những câu hát Then, tiếng đàn Tính cứ ngấm dần trong chị từ lúc nào không hay. Từ suy nghĩ muốn tìm hiểu sâu hơn nữa sự tinh túy của nghệ thuật hát Then, năm 2011 sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, cứ Chủ nhật hàng tuần chị Hiền lại vượt hơn 100 km tìm đến nhà nghệ nhân Chu Thạch ở xã Hà Lang và nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) để nâng cao trình độ hát Then, chơi đàn Tính. Chị vừa học qua các nghệ nhân, vừa miệt mài lặn lội đến cả những bản làng nơi có đồng bào dân tộc Tày sinh sống để tìm hiểu và ghi chép cẩn thận những điệu Then cổ.

Chị Hiền cho biết, trong Then không chỉ có các thể thơ dân tộc mà còn có các biện pháp tu từ, ẩn dụ... của nghệ thuật ngôn từ, những làn điệu dân ca, những điệu múa đã song hành với hát Then không biết từ khi nào. Hát Then là một kho tàng quý báu, chứa đựng trong đó những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Mong ước của Hiền không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, bào tồn nghệ thuật hát Then, đàn Tính mà còn đưa nghệ thuật hát Then trở thành điểm nhấn để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Người “thắp lửa” đam mê hát Then ở Trung Yên ảnh 3Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính cội nguồn xã Trung Yên biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

 Năm 2018, chị Hiền cùng với những người yêu thích hát Then đã thành lập Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cội nguồn thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương với 8 thành viên ban đầu. Qua hơn 4 năm hoạt động, đến nay, Câu lạc bộ đã có 29 thành viên với các lứa tuổi từ 6 đến 70 tuổi cùng chung một niềm đam mê hát Then. Vốn am hiểu dân ca, dân vũ truyền thống, chị Đàm Thanh Hiền không chỉ truyền dạy hát Then, đàn Tính mà còn tích cực sưu tầm, nghiên cứu sáng tác lời then mới trên nền then cổ để biểu diễn và thành công với nhiều tiết mục tham gia tại các cuộc giao lưu hát Then - đàn Tính trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang, thường xuyên biểu diễn cho du khách tham quan tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào...

Là người gắn bó với Câu lạc bộ ngay từ khi mới thành lập, đều đặn hai lần một tuần, bà Đàm Thị Thêm, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên lại tới địa điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ cùng các thành viên tập luyện, hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi và coi đây là thời gian giải trí thư giãn hiệu quả.

Bà Đàm Thị Thêm, thôn Quan Hạ chia sẻ: "Chị Đàm Thanh Hiền là người tâm huyết với hát Then, luôn kiên trì hướng dẫn chúng tôi cách lấy hơi, nhả chữ, cách luyến láy trong hát Then. Khi mới tiếp cận với hát Then, đàn Tính tôi thật sự vụng về khi đánh những ngón đàn đầu tiên. Với sự dìu dắt tận tình của Hiền, tôi như được "truyền lửa" và thêm quyết tâm học tập".

Cháu Triệu Thu Hiền, thành viên nhỏ tuổi của Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính cội nguồn thôn Quan Hạ cho biết: "Nhờ có cô Hiền chỉ dạy, giờ cháu đã hát được một số bài Then, chơi được đàn Tính. Cháu sẽ cố gắng học hỏi, rèn luyện hát Then để góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

Người “thắp lửa” đam mê hát Then ở Trung Yên ảnh 4Các thành viên nhỏ tuổi của Câu lạc bộ Hát Then - đàn Tính cội nguồn xã Trung Yên luyện tập. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Chia sẻ những cảm nhận về chị Đàm Thành Hiền, bà Nguyễn Thị Thu Thúy , Phó Chủ tịch UBND xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cho biết, chị Đàm Thanh Hiền rất tích cực trong việc truyền dạy nghệ thuật hát Then, không chỉ giúp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Tày mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm du lịch, tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã cho thấy những giá trị to lớn của di sản này. Kết quả này có được là nhờ đóng góp công sức không biết mệt mỏi của các nghệ nhân, của những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống như chị Đàm Thanh Hiền.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm