Người thanh niên tiêu biểu với tâm huyết giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Bahnar

Người thanh niên tiêu biểu với tâm huyết giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Bahnar

Anh Rmah Mich, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) là một trong những thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu toàn quốc - năm 2020. Với tâm huyết và niềm đam mê tuổi trẻ, anh đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Bahnar.

Người thanh niên tiêu biểu với tâm huyết giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Bahnar ảnh 1Anh Rmah Mich,Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Rmah Mich sinh năm 1993, hiện đang cư trú tại làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai). Năm 2013, vì điều kiện gia đình khó khăn, anh đành bỏ dở dang việc học tại khoa Thanh nhạc - Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Con đường học vấn dừng lại, cậu thanh niên Mich hiếu thảo về quê chăm sóc mẹ già đau ốm nhưng niềm đam mê thanh nhạc vẫn đau đáu trong lòng.

Với ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, anh Mich đã tìm đến các vị già làng, người uy tín trong làng để nghe kể về văn hóa, lịch sử, nhạc cụ của người Bahnar. Nhận thức được việc văn hóa dân tộc đang dần bị mai một bởi không có thế hệ kế cận, anh Mich đã học hỏi kiến thức của các vị lão làng. Qua thời gian học tập, nghiên cứu, anh đã tập hợp thanh niên trai gái trong làng thành lập các đội cồng chiêng và truyền dạy kỹ năng sử dụng loại nhạc cụ dân tộc cho các bạn cũng như các em nhỏ trong làng.

Người thanh niên tiêu biểu với tâm huyết giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Bahnar ảnh 2Anh Rmah Mich (ngồi giữa) cùng đội cồng chiêng của làng Hek đã giành rất nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điêp - TTXVN Trong ảnh: Anh Rmah Mich,Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai).

Anh Mich tâm sự, do thực trạng giao thoa văn hóa chung của nhiều dân tộc, thế hệ già làng thông thuộc văn hóa, lịch sử dân tộc cũng không còn nhiều nên nhiều năm qua thanh niên Bahnar trong làng Hek cũng dần quên lãng những bài chiêng, những bài hát kể, hát khan giao duyên hay những điệu cồng chiêng quây quần cộng đồng. Thời gian đầu, để tập hợp thanh niên, nói cho họ hiểu vấn đề bảo tồn văn hóa là vấn đề nan giải. Anh Mich phải vận động rất lâu, lấy mình làm gương để kêu gọi thanh niên lập nhóm văn hóa, văn nghệ. Công tác phong trào thực sự có hiệu quả khi thanh niên trong làng thấm nhuần những lời tâm sự về bảo tồn văn hóa dân tộc của anh Mich, từ đó, đội cồng chiêng của anh Mich ngày một đông đảo. Hiện anh Mich là đội trưởng của cả hai đội thanh niên và học sinh trong làng.

Vừa học từ các già làng, vừa truyền đạt lại cho thế hệ thanh niên, học sinh trong làng, Rmah Mich như một cầu nối giữa hai thế hệ già - trẻ. Từ đó, những bài chiêng, hát khan, cách đánh đàn Ting Ning, T’rưng, các tập tục, lễ nghi văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar được truyền bá rộng khắp trong làng rồi sang cả những làng lân cận.

Già Đinh Nhoeng, người truyền dạy văn hóa cổ cho anh Rmah Mich kể lại, càng về sau, trong làng, ngày càng ít người trẻ biết đánh cồng chiêng, đánh các nhạc cụ dân tộc, chưa nói đến hát khan, hát kể sự tích dân tộc. “Mich đã tìm đến tôi và nhiều người già trong làng để học hỏi, chúng tôi rất hạnh phúc khi có Mich làm cầu nối để truyền lại văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Đến giờ thì cồng chiêng, đánh đàn, hát khan Mich đều thành thạo và thành công trong công tác truyền dạy cho các bạn và các em trong làng”, già Đinh Nhoeng cho biết.

Người thanh niên tiêu biểu với tâm huyết giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Bahnar ảnh 3 Anh Rmah Mich (thứ 4, từ phải sang) biểu diễn cùng đội cồng chiêng của làng Hek. Ảnh: Hồng Điêp - TTXVN

Để cổ vũ, động viên và tạo phong trào thi đua cho thanh niên, học sinh trong làng, anh Mich đã chủ động đưa thanh niên làng Hek đi xem các hội thi, hội diễn cồng chiêng nhằm khơi dậy tình yêu văn hóa trong mỗi người. Rồi từ đó, lấy động lực, các đội cồng chiêng, múa xoang của làng dần hình thành và đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ do các cấp chính quyền tổ chức. Ban đầu, chỉ có vài người tham gia, hiện đội cồng chiêng, múa xoang thanh niên của làng Hek đã lên đến 30 người. Ngoài ra, đội cồng chiêng nhí của anh Mich còn có 25 em học sinh trường Tiểu học phổ thông dân tộc Bán trú Nay Der, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện.

Năm 2018, sau khi đội cồng chiêng làng Hek được thành lập, mô hình nhanh chóng được lan tỏa tới 3 làng lân cận. Đội cồng chiêng các làng Pông, Pênh, Hek, Trớ của xã Chư A Thai tập hợp những nam thanh nữ tú tham dự Festival cồng chiêng Tây Nguyên. Với sự nỗ lực truyền dạy của anh Mich, đội chiêng làng Hek đã gặt hái được rất nhiều giải, giấy khen của các hội thi như Giải nhất diễn xướng cồng chiêng, thể loại hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ trong Hội thi văn hóa - Thể dục thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện (năm 2019); Giải A thể loại dân ca, giải B biểu diễn nhạc cụ tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc thanh, thiếu niên tỉnh Gia Lai (năm 2019)...

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Gia Lai Nguyễn Chí Cẩn đánh giá, không chỉ là một Phó Bí thư Hội Liên hiệp Thanh niên xã gương mẫu, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công tác hội, Rmah Mich còn là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như thành lập, truyền dạy, duy trì các đội cồng chiêng thanh, thiếu niên tại địa phương, xứng đáng là tấm gương thanh niên tiêu biểu để thanh niên cùng trang lứa học tập, noi theo.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm