Người Tây Nguyên làm trống da trâu hay da voi?

Người Tây Nguyên làm trống da trâu hay da voi?
Nhưng có lẽ trong hệ thống trống của Tây Nguyên, chỉ có chiếc H’Gơr của tộc người Ê Đê là có hình dạng lớn nhất.

Trống H’Gơr là một trong những loại nhạc cụ thiêng. Để làm trống, phải tổ chức một nghi lễ cúng Yang lớn với vật hiến sinh phải là trâu. Người Ê Đê quan niệm rằng: muốn âm thanh của trống được vang, được ấm thì bắt buộc phải bịt mặt trống bằng da trâu.
 
Trống H’Gơr được sử dụng trong một lễ hội. Ảnh: K.N.B
Trống H’Gơr được sử dụng trong một lễ hội. Ảnh: K.N.B

Vật liệu để làm trống là những thân gỗ tốt như sao, lim..., 2 tấm da trâu và những chiếc đinh làm bằng tre già. Từ một đoạn thân gỗ dài khoảng 1 mét, bằng phương pháp vừa dùng rìu khoét vừa đốt, người Ê Đê tạo nên một thân trống ở giữa hơi phình to hơn 2 đầu. Sau đó dùng bộ da của 2 con trâu (đực và cái) để bịt 2 đầu trống. 2 tấm da này phải là nguyên bộ, vẫn còn nguyên lông. Khi bịt xong kín mặt và thân trống thì mới cắt những phần thừa xung quanh như chân, đầu và xén bớt lông đi... Độ rộng của những tấm da phải đảm bảo đủ để bịt kín cả thân trống, rìa của 2 mặt da giáp nhau ngay giữa thân trống. Thường người làm trống phải tính toán chính xác để da không bị thiếu hoặc bị thừa. Trước khi bịt trống, người thợ phải ngâm trong nước từ 1 đến 2 ngày cho da mềm ra, dễ cắt.

Sau khi đã căng khít mặt và thân trống, da được dùi, ghim vào thân trống bằng những đoạn tre ngắn bằng ngón tay cái ngay sát mặt trống ở cả 2 đầu. Tiếp đến, 2 hàng đinh tre sát cạnh, giữ cho mặt trống thật thẳng căng. Và thêm 4 hàng nữa tại 2 đầu giáp nhau ở khoảng chính giữa thân trống, song song, đều nhau.  Những hàng đinh tre này được đóng một cách cẩn thận, không chỉ ghim chặt da vào mặt và thân trống mà còn trở thành phần trang trí cho thân trống. Trống căng xong phải phơi chỗ mát nhiều ngày, để khô và thẳng căng, rồi tiếp tục khoét một lỗ nhỏ chừng bằng hạt bắp ở mặt da trâu đực (gọi là xỏ mũi cho trống), giúp âm thanh phát ra ấm và không bị tức tiếng.

Trống Ê Đê còn khác với các loại trống của các tộc người khác ở chỗ căng mặt trống bằng dây mây đan chéo nhau từ đầu này sang đầu kia; những sợi dây mây này sau đó không tháo đi mà để lại như vật trang trí cho thân trống. Ở các dân tộc khác, trống lớn chỉ được bịt da ở 2 mặt; còn loại trống bịt da toàn thân, nhất là trống bịt da 2 con trâu cả đực cả cái và có hình thức sử dụng nghiêm ngặt thì chỉ có ở người Ê Đê.

Khác với nhiều tộc người ở Tây Nguyên đeo trống nhảy múa cùng dàn chinh chiêng, trống H’Gơr thường có một vị trí cố định trên ghế Kpan (một loại ghế có hình dáng như chiếc thuyền, đại diện cho bản sắc văn hóa của người Ê Đê), kẹp giữa vách nhà và cây cột thứ 2 của gian khách. Muốn đưa trống ra khỏi nhà cũng cần phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép rồi mới được mang ra.

Theo phong tục, chỉ những nhà giàu có ghế Kpan, có dàn chinh char rồi thì mới được làm trống H’Gơr, có thể cùng một lúc với làm Kpan. Trống càng to càng chứng tỏ gia đình đó giàu có. Mỗi gia đình chỉ có một trống H’Gơr nên nó được xem như một tài sản quý.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ (TP. Pleiku) có đưa lên facebook hỏi về chiếc “trống da voi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù trống có lớn đến đâu cũng chỉ bịt bằng da trâu cái và trâu đực, không bao giờ bịt bằng da voi. Có 2 điều chứng minh ý kiến này: thứ nhất, loài voi rừng có tập quán khi thấy mình quá già yếu, chúng sẽ tự tìm tới một bờ vực sâu nào đó, lăn mình xuống và chết. Chính vì vậy ở Lào, Campuchia, người ta từng tìm thấy giữa rừng sâu những bãi ngà voi. Thứ hai, với voi nhà đã được thuần dưỡng, chúng đều được đặt tên và coi như một người anh/chị em đặc biệt trong nhà. Nếu voi vì lý do nào đó chết tại chỗ, người ta đổ đất lên đắp thành mộ và có một luật bất thành văn là không bao giờ được lột da để làm trống.

Do vậy không thể có trống da voi.  Dù lớn đến đâu vẫn chỉ là những chiếc trống da trâu mà thôi. Đó cũng là một điều đặc biệt trong văn hóa dân gian Tây Nguyên.
Theo baogialai.com.vn
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm