![]() |
ông Đăng Thanh trao đổi công tác sưu tầm văn hóa Tây Nguyên |
Sưu tầm từ năm 1978, đến năm 1999, khi rời quê Nam Định vào Đà Lạt lập nghiệp, đến nay, ông đang sở hữu hơn 10.000 hiện vật, trong đó nổi bật nhất là khoảng 100 bộ sưu tập các hiện vật của Tây Nguyên. Trong đó, có những bộ sưu tập khá ấn tượng như: bộ cồng chiêng 70 chiếc, bộ dụng cụ săn bắn hái lượm (như gùi, dụng cụ bắt cá, bắt mối...), bộ nhạc cụ như đàn Cha-pi, kèn tù và, những chiếc chum chóe dùng để đựng rượu cần ở Tây Nguyên.
Bộ sưu tập của ông “dày lên” nhờ những chuyến đi dài ngày đến các buôn làng của đồng bào lặn lội tìm kiếm hiện vật. Cũng có không ít người mang hiện vật đến tặng vì biết ông mê “quá khứ”.
![]() |
Giới thiệu với khách thăm quan hình ảnh các chuyên đi điền dã sưu tầm văn hóa Tây Nguyên |
Căn nhà nhỏ chứa đầy những đồ vật, thậm chí nhà bếp cũng được tận dụng để chứa đồ. Ông đọc sách, làm thơ và ngủ ngay giữa bộn bề hiện vật. Với ông, mỗi vật đều gắn liền với một kỷ niệm, một chuyến đi và quan trọng hơn là mang lại những cảm xúc và những ấn tượng sâu sắc về mảnh đất, con người Tây Nguyên.
Mỗi khi khách đến thăm ông thường giới thiệu quá trình sưu tầm, giá trị lịch sử từng hiện vật. Căn nhà của ông đã nhỏ lại càng chật chội hơn khi hiện vật được ông sưu tầm ngày càng nhiều. “Có rất nhiều người đến hỏi mua với giá cao, nhưng tôi không bán dù hoàn cảnh gia đình không khá giả gì”, ông Đăng Thanh tâm sự.
![]() |
Với những đóng góp trong việc sưu tầm văn hóa Tây Nguyên, ông Đặng Thanh đã được tặng nhiều Bằng khen của tỉnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch |
Cuộc sống hiện đại đang làm mất dần đi những giá trị văn hóa bản địa. Nhận thấy điều đó, ông Đăng Thanh đã thầm lặng sưu tầm, với mong muốn giữ lại những đồ vật thể hiện văn hóa, đời sống của đồng bào trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.