Người phụ nữ nâng tầm cây cảnh và văn hoá ẩm thực Huế

Người phụ nữ nâng tầm cây cảnh và văn hoá ẩm thực Huế
Bà Tôn Nữ Thị Hà chăm sóc vườn cây cảnh của mình tại Tịnh Gia Viên
Bà Tôn Nữ Thị Hà chăm sóc vườn cây cảnh của mình tại Tịnh Gia Viên

Năm nay đã 73 tuổi nhưng bà Tôn Nữ Thị Hà vẫn còn tháo vát và sôi nổi khi nói về nghề cây cảnh và ẩm thực mà mình đang dốc sức theo đuổi. Chỉ cây sanh trăm tuổi trong vườn, bà say sưa kể: Cây có thế long giáng (rồng hạ xuống) - hơn 100 năm tuổi, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cây sanh này đã từng bị kẻ trộm đột nhập lấy đi cả cây lẫn chậu vào năm 2009. Sau đó, tại Festival sinh vật cảnh lần thứ nhất, tổ chức tại thành phố Hải Dương, bà Hà đã lặn lội hàng trăm cây số đến tìm lại được cây đang trưng bày tại đây và đưa về với vườn cũ.

Bảng Vàng gia tộc về ẩm thực cung đình Huế
 Bảng Vàng gia tộc về ẩm thực cung đình Huế

Theo bà Hà, cây cũng có đẳng cấp, phong cách, và đặc biệt, nhìn vào vườn cây sẽ biết chủ nhân. Những người chơi cây cảnh lâu năm đều công nhận điều này. Trong vườn của bà Tôn Nữ Thị Hà có bộ cây được giới chơi cây cảnh ở Huế nể trọng, đó là: Cây mai cây mai thế "long giáng", chừng 150 năm tuổi, bên cạnh là cây mai "thế trực" 80 năm tuổi cùng với cây mai thế "long thăng" chừng 70 năm tuổi. Riêng cây thế "long thăng" hiện cho nhiều hoa nhất với cánh to và luôn giành giải nhất trong các cuộc thi hội hoa Xuân của Huế.

Thỉnh thoảng, người ta lại thấy trong khuôn viên Tịnh Gia Viên lại có những cuộc gặp gỡ giữa những người chơi cây cảnh, làm thơ bình cây, rồi chụp ảnh nghệ thuật. Mỗi cây trong Tịnh Gia Viên có nguyên cả một bộ ảnh, như một lý lịch, đọng lại trong đó tình cảm của người mê cây. Chính vì thế, nhiều lần người sành chơi cây cảnh từ trong Nam ra ngoài Bắc đều ngỏ ý muốn mua lại những cây mai thế nói trên nhưng bà đều từ chối. Bán là mất, bà muốn giữ lại cây, giành sự "đặc ân" này, như món quà tri ân cho quê hương Cố đô Huế.

Bà Tôn Nữ Thị Hà (ngoài cùng bên trái) trong một bữa tiệc phục vụ khách du lịch nước ngoài tại Tịnh Gia Viên (ảnh chụp lại)
Bà Tôn Nữ Thị Hà (ngoài cùng bên trái) trong một bữa tiệc phục vụ khách du lịch nước ngoài tại Tịnh Gia Viên (ảnh chụp lại)

Trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2004, bà Tôn Nữ Thị Hà được bình chọn "Người làm nhiều nghề nhất" với 16 nghề như: Nấu ăn, trồng cây kiểng, ngành y, nhiếp ảnh, vẽ chân dung, đúc chậu, dạy học, phiên dịch, pha rượu, làm bánh mứt..., trong đó lâu nhất là nghề y (35 năm). Nhưng có lẽ thành danh nhất ngoài thú chơi cây cảnh là nấu ăn cung đình Huế tại tư gia Tịnh Gia Viên, cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng ở đất Huế.

Về ẩm thực, bà Hà nổi tiếng với tác phẩm "Phượng hoàng vũ" trưng bày tại khách sạn Rex - thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2012. Chiếc bánh có chiều dài 6,8m, chiều rộng 4,2m; được tạo thành bởi 97kg bột gạo nếp, 496kg đậu xanh, 662kg đường cát trắng, 24 quả bí ngô, 80 quả gấc, 120 củ dền, 120kg mận chín, 120kg khoai tía, 20kg bắp cải tím, 40kg cải bẹ xanh, 20kg nghệ củ, 19kg rau bồ ngót, 10kg lá dứa thơm, 5kg lá cẩm, 1kg cà phê. Để đưa được vào thành phố Hồ Chí Minh "Phượng hoàng vũ" được đóng trong 90 chiếc thùng, xếp đầy hai chiếc xe tải. Chiếc bánh đậu xanh "Phượng hoàng vũ" khổng lồ này của nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà và ái nữ Phan Tôn Tịnh Hải được vinh danh Kỷ lục châu Á - do Hội Kỷ lục châu Á công nhận.

Cây mai có thế "long thăng" khoảng 70 năm tuổi của bà Hà tại Tịnh Gia Viên luôn giành giải nhất trong các cuộc thi hội hoa Xuân của Huế.
 Cây mai có thế "long thăng" khoảng 70 năm tuổi của bà Hà tại Tịnh Gia Viên luôn giành giải nhất trong các cuộc thi hội hoa Xuân của Huế.
Cây mai có thế "long giáng", chừng 150 năm tuổi của bà Hà tại Tịnh Gia Viên, Huế.
Cây mai có thế "long giáng", chừng 150 năm tuổi của bà Hà tại Tịnh Gia Viên, Huế.
Cây sanh có thế long giáng (rồng hạ xuống) - hơn 100 năm tuổi, trị giá hàng trăm triệu đồng của bà Hà tại Tịnh Gia Viên
Cây sanh có thế long giáng (rồng hạ xuống) - hơn 100 năm tuổi, trị giá hàng trăm triệu đồng của bà Hà tại Tịnh Gia Viên  

Có thể bạn quan tâm