Người nông dân Long An lại lao đao từ cây mía

Người nông dân Long An lại lao đao từ cây mía
Đến các vùng trồng mía của tỉnh Long An, mới cảm nhận được cái khổ của người nông dân. Một số cánh đồng mía đang trong thời kỳ thu hoạch trong tình trạng cây chết khô, bởi lẽ không có thương lái mua hoặc giá quá thấp người trồng không bán. Qua tìm hiểu, người dân cho rằng hiện không có vốn để tái sản xuất mía, trồng cây khác lại không có khả năng. Họ đang rất cần Nhà nước hỗ trợ, tư vấn để có thể chuyển đổi cây trồng hoặc nếu có trồng cây mía lại thì can thiệp để nông dân thu hoạch đủ sống.

Ông Hoàng Viết Vinh, ngụ xã Lương Hòa, than thở: " Gia đình trồng được 2,5 hécta mía, trong đó có 0,5 hécta trồng mới, với kinh phí bỏ ra đầu tư 70 triệu đồng. Tuy nhiên, trong qúa trình thu hoạch, gia đình chỉ thu lại được chỉ 40 triệu đồng. Nguyên nhân do giá cả rất thấp. Nếu nơi trồng mía có xe đến tại chỗ chở, giá 160.000 đồng/tấn, còn nơi có ghe đến tận nơi vận chuyển,  giá khoảng 210.000 đồng/tấn. Với giá này, chúng tôi lỗ nặng, trong khi năm rồi tuy giá thấp nhưng vẫn ở mức 650.000 đồng/tấn".

Người nông dân lại lao đao từ cây mía. Ảnh minh họa: TTXVN
Người nông dân lại lao đao từ cây mía. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Trần Xuân Ba, nông dân trồng mía ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, trồng được 1,8 hécta mía, vốn đầu tư 170 triệu. Đến thời điểm thu hoạch chỉ thu được 30 triệu đồng không và có lúc thậm chí không kêu được thương lái để bán. Ông Xuân Ba buồn bã, cho biết, trên địa bàn có nhà máy đường  Nivl của Ấn Độ đang chạy gia công, nhưng có khi hoạt động, có khi ngưng. Còn nhà máy đường của Tây Ninh thấy nhà máy đường Nivl như vậy, nên không nhận mía mua mía của dân xã Lương Hòa và các xã khu vực lân cận. Tìm kiếm thương lái mua mía rất vất vả, thậm chí khi đã tìm được thì thương lái chèn ép giá, không muốn mua. Năm nay, nông dân từ lỗ chí lỗ. Một bao phân Urê giá 360.000 đồng, trong khi một tấn mía mua chưa được 1 bao phân Urê .

"Tôi đề nghị nhà nước có chính sách thông báo đến người trồng; Hội khuyến nông của huyện, xã có hướng chuyển đổi cây trồng như thế nào để giải quyết cho bà con trong vấn đề canh tác trong thời gian tới", ông Trần Xuân Ba nói

Theo ông Nguyễn Văn Sót, Trưởng ấp 9, xã Lương Hòa thì toàn ấp đã thu hoạch mía khoảng 30% trên tổng diện tích 170 hécta. Hiện giá mía rất thấp, làm cho nông dân lỗ. Năm nay, sau khi mía thu hoạch, đa số nông dân phá để trồng những loại cây khác như chanh, mì, sả, ổi,.... Cái khó khăn nhất của người nông dân lúc này là các mặt hàng này đều bấp bênh, chanh thì lúc lên lúc xuống. Có lúc giá lên 10.000 đồng/kg; có lúc  giá xuống 500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Sót mong muốn tỉnh, huyện có giải pháp để nông dân có biện pháp tái sản xuất lại. Trước đây, người dân Lương Hòa làm giàu nhờ cây mía, nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ có nguy cơ mất gốc cây mía tại nơi đây.

Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, niên vụ mía 2017 – 2018, 4 huyện của tỉnh gồm: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa và Đức Huệ trồng gần 8.000 hécta mía, trong đó Bến Lức có gần 6.000ha. Đến nay nông dân đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích và giá mía bán mía rất thấp làm cho người trồng mía đều không thu hồi, đủ vốn đầu tư. Hiện tại, giá mía bán tại ruộng dọc theo kênh thủy lợi có đường vận chuyển bằng ghe được thương lái mua 250.000 đồng/tấn, mía vận chuyển bằng phương tiện xe máy cày thì có giá 150.000/tấn. Với giá bán hiện tại thì nhiều người trồng mía lưu gốc lỗ khoảng 30% chi phí đầu tư; đối với diện tích mía trồng mới,  lỗ 70% chi phí đầu tư. Riêng huyện Bến lức hiện có khoảng 9.000 hộ dân trồng mía bị ảnh hưởng do giá mía thấp. Giá thấp, nhiều nông dân thu hoạch mía xong không tái đầu tư chăm sóc, bỏ phế ruộng mía, hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Niên vụ trước, vùng mía nguyên liệu tại Long An được 2 đơn vị thu mua đó là  Công ty Cổ phần NIVL, trụ sở tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức và Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công -tại tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên Công ty NIVL tạm thời hoạt động cầm chứng và sản xuất gia công cho thương lái. Còn Công ty Mía đường Tây Ninh thu mua tại nhà máy với điều kiện rất khắt khe, nên số lượng mía bán cho Công ty rất hạn chế.

Việc trồng cây gì, con gì cho hiệu quả cao, bền vững là vấn đề nan giải không chỉ của người dân mà ngay cả chính quyền địa phương. Điều quan trọng hiện nay là các ngành chức năng làm cầu nối, kêu gọi các doanh nghiệp có phương án hỗ trợ giống, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì mới mong người dân thoát khỏi cảnh lúng túng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập hiện nay.
Thanh Bình

Có thể bạn quan tâm